Từ thành phố Châu Đốc, qua phà Châu Giang, đặt chân lên đến bờ bên kia ta sẽ nhận ra ngay mình đã đặt chân vào vùng đất của Hồi giáo. Ngay mặt đường lớn, những tòa thánh đường cả trăm năm tuổi sừng sững, uy nghi. 100% đồng bào dân tộc Chăm ở An Giang theo đạo Hồi, ở đâu có ấp của người Chăm, ở đó sẽ có những thánh đường.
Thánh đường là nơi vô cùng trang nghiêm trong tín ngưỡng của người Hồi giáo. Đây là nơi chứng kiến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của một tín đồ Hồi giáo từ khi sinh ra cho đến khi qua đời. Đây cũng là nơi mà những người đàn ông dân tộc Chăm ở Châu Giang, nếu có điều kiện, một ngày 5 lần ghé qua để làm lễ và không được phép vắng mặt vào buổi lễ diễn ra vào trưa thứ 6 hàng tuần.
Bên trong thánh đường - nơi mà vào những buổi lễ chỉ có nam giới được hiện diện, những câu kinh Qur’an sáng lấp lánh như niềm tin của những tín đồ Hồi giáo vào sự hiện diện, sự chở che của Thượng đế. Những câu kinh Qur’an nằm lòng trong tâm trí của những người Chăm ở ấp Châu Giang, từ người già tới trẻ thơ.
Mọi sự bài trí trong thánh đường đều được hướng về phía Tây, hướng về phía thánh địa Mecca - vùng đất linh thiêng của người Hồi giáo.
Dưới bóng thánh đường, người Chăm ở Tân Châu đã an cư, lập nghiệp bên bờ sông Hậu cả trăm năm qua. Họ đã giữ gìn nét văn hóa riêng của dân tộc mình, giữ gìn niềm tin trong tín ngưỡng, giữ gìn chữ viết, tiếng nói riêng. Nữ giới vẫn quấn khăn trên đầu, kín đáo và trang nhã, còn đàn ông vẫn mặc những bộ sarong truyền thống. Họ thân thiện, hiếu khách như hàng trăm năm qua vẫn luôn là như vậy.
Trong ngôi nhà của người Chăm, bên những khung cửi gỗ truyền thống, người phụ nữ Chăm cần mẫn dệt nên những họa tiết hoa văn thổ cẩm mang đậm nét đặc trưng của dân tộc mình.
Vài điều cần lưu ý khi ghé thăm làng Chăm Châu Giang 1. Thánh đường của người Hồi Giáo là nơi vô cùng trang nghiêm, khách đến thăm cần ăn mặc lịch sự, kín đáo. 2. Nữ giới khi bước chân vào thánh đường cần vấn tóc gọn gàng, có khăn che tóc, và đặc biệt không được bước vào thánh đường khi nam giới đang hành lễ 3. Người Chăm ở Tân Châu vô cùng hiếu khách, tuy nhiên khi muốn chạm vào bất kì đồ vật gì trong nhà người Chăm, bạn cũng cần phải xin phép gia chủ. |
Nguyên Hạnh - Trọng Đại / VOVTV
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |