Khoảng cách giữa các dây treo hồng được cách nhau khoảng 25cm để bảo đảm tỷ lệ hồng treo không quá dầy khiến gió cũng như ánh nắng chiếu không vào được.
Thung lũng Vàng, Khe Sanh, khu vực ngoại ô như Trại Mát, Cầu Đất, Đà Lạt tập trung đông với khoảng 300 cơ sở hồng treo gió. Đây còn được mệnh danh là thủ phủ của hồng với hàng trăm quả đồi bạt ngàn những vườn trồng hồng.
Những cây hồng được trồng ở đây hầu hết là hồng giòn. Mùa hồng Đà Lạt bắt đầu từ giữa tháng 9 cho đến những mùa đông giá lạnh vào cuối tháng 11 đầu tháng 12. Vào thời điểm này thì các cây hồng đã trụi hẳn lá chỉ còn lại những quả hồng thắm đỏ trên cành cây.
Trước đây, hồng giòn chỉ được người nông dân thu hoạch theo mùa vụ và bán cho các thương lái. Tuy nhiên từ năm 2012, những nông dân sản xuất hồng gió từ Nhật Bản và các chuyên gia nông nghiệp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã đến Đà Lạt hướng dẫn cho hơn 100 hộ nông dân phương pháp chế biến hồng chỉ dùng nắng và gió tự nhiên.
Hồng sau khi thu hoạch về, được người nông dân rửa sạch và phân loại. Những quả nào rụng cuống, bị dập trên đường vận chuyển sẽ được loại bỏ, sau đó tiếp tục được rửa nhiều lần bằng nước sạch.
Gọt vỏ hồng cũng cần một kỹ thuật nhất định làm sao cho vỏ mỏng nhất và ko bị rụng cuống.
Tiếp theo, hồng được vệ sinh sạch một lần nữa rồi đưa lên khay chuyển vào lò sấy khoảng hai đến ba giờ.
Ông Trần Bình, chủ cơ sở hồng treo gió Hoàng Bình, cho biết: “Để làm ra những trái hồng sấy chuẩn vị chúng tôi phải bỏ ra 20 – 30 ngày, tùy thuộc vào thời tiết, nhiệt độ và độ ẩm. Chỉ cần thời tiết không ủng hộ, trời mà cứ mưa một tuần không có nắng thì coi như mất trắng cả vụ”.
Hồng treo sau khi sấy qua, sẽ được treo lên bằng một sợi dây buộc vào cuống. Những quả hồng sẽ được treo cách nhau khoảng 25cm. Khoảng cách giữa các dây cũng được cách nhau khoảng 25cm để bảo đảm tỷ lệ hồng treo không quá dầy khiến gió cũng như ánh nắng chiếu không vào được.
Sau khi một mẻ hồng được treo lên, người nông dân sẽ buộc một tờ lịch đánh dấu số ngày của mẻ hồng đó.
Những quả hồng gió sau khoảng 15 ngày sẽ teo nhỏ lại.
Ông Bình cũng chia sẻ thêm: “Làm hồng treo gió thu nhập có cao hơn thật nhưng kỳ công lắm. Phải bảo đảm các yếu tố vệ sinh, nhà lồng không để cho côn trùng bay vào. Người nông dân muốn vào nhà lồng đều phải qua một quá trình tẩy trùng trên người mới được vào thăm”.
Để quả hồng ngon và ngọt hơn. Người nông dân còn phải “mát xa” nhẹ đều tay cho những quả hồng.
Ông Bình cho biết: "Trong khi hồng sấy truyền thống có giá khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg thì hồng sấy treo theo công nghệ Nhật Bản được bán từ 400.000 - 420.000 đồng/kg nhưng không có đủ hàng để cung cấp cho thị trường do thời điểm gần Tết nhu cầu tiêu thụ lớn".
Chính vì giá trị của hồng sấy theo công nghệ Nhật Bản tăng cao so với cách làm truyền thống nên ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất ra đời. Đặc biệt, đã có hợp tác xã hồng sấy gió tại thôn Đất Làng (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt) được nhiều du khách biết đến và đánh giá cao về chất lượng.
Cùng với việc phát triển ngành kinh tế nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ vào nông nghiệp, người nông dân thôn Đất Làng bắt đầu hướng tới phát triển theo hướng mô hình du lịch trải nghiệm tại các vườn hồng treo gió.
Giang Ngọc/nhandan.com.vn