Lãng đãng phố chiều
Thời gian ngái ngủ bên những khung cửa. Chủ quán đổi bản sonate “Ánh trăng” của Beethoven khi chiều vẫn nhạt nhòa. Có thể nói, thú ngồi cà phê là nét văn hóa tự nhiên của người Đà Lạt. Quán cà phê phố núi luôn được tạo tác những góc nhỏ lặng lẽ. Lặng, nhưng không cô đơn. Ở đó, người ta có thể ngược miền ký ức, ghép nối những hoài niệm.
Nhiều người bảo, Đà Lạt mưa nhiều, nhưng Đà Lạt đẹp cả trong mưa. Vẻ đẹp mà chỉ những người sống ở phố núi và yêu thành phố này mới cảm được. Phải ở Đà Lạt mới biết cái thú lang thang, dạo chơi trong mưa. Những hạt mưa bụi lấm chấm vừa đủ vương lên tóc, vừa đủ để gần nhau, phảng phất khoái cảm.
Cơn mưa bất chợt
Phố núi chầm chậm trong mưa. Giọt cà phê đã quặn sánh. Tôi lần vội ký ức… Đà Lạt có “công năng gốc” ngay khi hình thành là thành phố nghỉ mát. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ từng nói, ở Đà Lạt, nhà không thấy trọn, núi không thấy trọn, cảnh luôn ảo huyền. Thiên nhiên ấy phảng phất như nét vẽ thủy mặc, nét kiêu sa của nghệ thuật Á Đông. Mát lạnh, không khí tinh khiết và không gian e lệ… những thứ ấy là tài nguyên hiếm hoi mà Đà Lạt sở hữu. Chúng không thể thiếu nhau. Hợp làm một, chúng tạo nên độ tiện nghi, sự cảm khoái thể xác, mà không một hệ thống công nghệ cao nào có thể tạo nên.
Đà Lạt từ thưở xưa, đã mang hình ảnh của đô thị vườn và vườn lẫn vào phố. Những cung đường uốn lượn, những khu vườn bao quanh phố xá, bao bọc những nếp nhà bình yên. Hai tiếng Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm thức và là niềm tự hào không chỉ của người dân miền đất bazan; một vùng khí hậu ôn đới, nơi nghỉ dưỡng thanh khiết, đem lại sự yên tĩnh cho tâm hồn. GS.TS. Kiến trúc sư Bruno De Meulder (Vương quốc Bỉ), từng nói: “Nhắc đến Đà Lạt, người Việt Nam ai cũng nôn nao. Bởi trong họ, Đà Lạt không chỉ là một đô thị mà còn là một tâm tưởng, có khi là một hoài niệm, có khi là một cảm giác sống tinh khôi, tươi mát mà thâm trầm. Sống ở đây là một trải nghiệm khác thường…”.
Đà Lạt cà phê hồi niệm
Ở những phố thị khác, muốn tìm một không gian uyển chuyển tự nhiên và “buồn sang trọng” như Đà Lạt thật khó. KTS Hoàng Đạo Kính đã “chiết xuất” cho Đà Lạt những ngôn từ khó lẫn: “Rừng thông và kiến trúc những căn biệt thự cổ xinh đẹp nhưng không bao giờ lạc thời đã sinh ra nỗi buồn “đặc sản”, là “linh hồn” của Đà Lạt. Hai thực thể vật chất ấy không phải là giá trị gia tăng mà chính là giá trị cơ bản của xứ sở này. Đó là nỗi buồn sang trọng được cấu thành từ cuộc hôn phối giữa thiên nhiên và sự kiến tạo của con người”.
Đến Đà Lạt, có lẽ mọi người đều quyện hòa theo cách sống nơi đây. Từ nhịp bước chân của người dạo chơi, từ cách nói năng, cử chỉ… đến “kiểu” ngồi cà phê, gọi tính tiền trong quán xá đều diễn ra chầm chậm. Chậm nhưng không trễ nải, đó là cái riêng của người Đà Lạt. Môi trường sống Đà Lạt trong lành, tĩnh lặng; nhịp sống không xô bồ, khẩn trương như các thành phố khác. Môi trường ấy làm cho con người thanh tịnh, khoan thai. Cũng là đời nông phu, nhưng nông dân Đà Lạt luôn toát lên nét tự tại, ung dung như họ chưa từng lam lũ bao giờ. Du khách đi tìm những phút giây tĩnh lặng, vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi, thư thái, để được lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ; còn với người Đà Lạt đã là nơi sẵn có.
Đà Lạt đã bước qua tuổi 128. Từ rất lâu, nhiều người đã phác họa tương lai xứ sở này sẽ trở thành “thủ đô mùa hè” cho những ai muốn tận hưởng sự dịu ngọt, muốn thấy thời gian chầm chậm trôi… Đà Lạt, miền đất khí hậu mát mẻ quanh năm, được ví là vườn “bách thảo kỳ hoa”. Khí hậu, hoa quyện hòa nét duyên “đôi má hồng đào” của thiếu nữ đã tự nhiên níu chân nhiều người về với Đà Lạt.
Ngoài phố mưa bay. Vẫn bản tình ca xưa, vẫn góc quen quán cũ, nhâm nhi tách cà phê đen như địa ngục và ngọt ngào như tình yêu, bên ô cửa, phố núi nhạt nhòa…
Theo Báo Lâm Đồng
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |