Không chỉ nổi tiếng với kho tàng văn hóa là sự kết hợp giữa ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Trà Vinh còn có nền ẩm thực vô cùng phong phú là sự giao thoa của ba dân tộc này.
Bún suông Trà Vinh
Còn được gọi là bún đuông vì món ăn này được làm từ chả tôm mềm mịn và ngon, được tạo hình như những con đuông. Nước lèo được ninh xương heo, có màu nâu đậm vì có me và tương hạt, tạo cho nước lèo có vị ngọt thanh lại thơm thoang thoảng của tương. Chả tôm thả vào nước đun đến khi nổi lên trên mặt nước và chuyển màu vàng ươm là chín. Món bún suông ăn kèm với đĩa rau sống gồm giá, rau xà lách, bắp cải thái sợi kết hợp với bát nước chấm được chế từ tương xay và ớt xay. Đây là món ăn nhẹ thú vị được người dân các tỉnh miền Nam yêu thích.
Bún nước lèo
Bún suông đã rất được ưa chuộng nhưng bún nước lèo ở Trà Vinh mới là thức quà đặc trưng mà giới sành ăn thường kháo nhau rằng: “Chưa ăn bún nước lèo xem như chưa đến Trà Vinh.”
Bún nước lèo được coi là biểu tượng của sự giao thoa văn hóa ẩm thực giữa cộng đồng các dân tộc ở Trà Vinh. Món bún được chế biến từ mắm bò hóc của người Khmer, thịt heo quay của người Hoa, thêm các loại cá như cá lóc, cá kèo hay tôm, tép… để nước có vị ngọt. Ăn bún nước lèo cần kèm một số loại rau ghém như bắp chuối, rau muốn chẻ sợi, bông súng, rau thơm và một chút hạt điều (nếu vào mùa điều). Người Trà Vinh vẫn tự hào cho rằng món bún nước lèo Trà Vinh khác hẳn những món bún khác, để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi tới thăm mảnh đất này.
Bánh tét Trà Cuôn
Bánh tét Trà Cuôn được làm từ gạo nếp ngon, đậu xanh, thịt lợn, lòng đỏ trứng vịt muối, nước cốt rau ngót và các loại gia vị. Bánh phải được gói khéo léo sao cho lạt chặt vừa đủ, sao cho khi nấu bánh không bị bung và nước không thấm vào bánh. Bánh tét sẽ ngon hơn nếu ăn kèm tôm khô, củ kiệu hay củ cải muối. Bánh tét Trà Cuôn có từ hơn 80 năm và nổi tiếng vì hương vị thơm ngon rất riêng, là sự tổng hòa của các nguyên liệu ngon, thuần nhất của quê hương Trà Vinh.
Bánh tét cốm dẹp
Bánh tét cốm dẹp được làm từ nếp nhưng là loại nếp non, được gặt sớm nửa tháng. Trước tiên, cốm dẹp được trộn với dừa nạo và nước cốt dừa rồi mới cho vào gói cùng thịt lợn, đỗ xanh hoặc thêm trứng muối và một chút vani cho dậy mùi thơm. Đặc biệt hơn là bánh được đem đi hấp cách thủy thay vì luộc chín trong nồi nước. Khi ăn mùi thơm đặc trưng của dừa, của cốm lan tỏa kết hợp với vị béo ngậy, bùi bùi của các nguyên liệu, tạo nên một món bánh vô cùng hấp dẫn.
Chả hoa, chả lụa
Chả hoa, chả lụa Năm Thụy là đặc sản Trà Vinh được người tiêu dùng bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao bởi chất lượng ngon, hương vị độc đáo, sạch sẽ an toàn, và rất đẹp mắt. Miếng chả khi cắt ra có hình tựa bông hoa với trừng muối ở chính giữa, xung quanh là nấm mèo, chả. Chả hoa Năm Thụy độc quyền ba loại là: chả hoa, chả hình con cá hay chả pate cuộn trứng. Đây là món ăn quan trọng trong mỗi dịp lễ Tết, tiệc tùng.
Cá khoai nấu ngót
Cá khoai là loại cá biển, bơi từng đàn ở những vùng nước nông; có nhiều nhất là vào cuối mùa hè và đầu mùa đông. Cá khoai nấu ngót là món ăn đặc sản dân dã của Trà Vinh, được chế biến rất đặc biệt với các nguyên liệu hành lá, hành phi thơm, cà chua, rau răm. Cà chua bổ múi cau sốt với hành phi thơm cho cà săn lại thì tắt bếp để thật nguội rồi mới đổ nước vào nấu tiếp, để lửa nhỏ, khi nồi canh sôi thì cho cá đã tẩm ướp gia vị vào. Cá chín, cho các loại rau hành thơm là xong. Canh cá khoai rất ngọt, thanh thanh, vừa đưa miếng cá vào miệng là thịt cá đã tan ngấm, đây là đặc điểm rất riêng của cá khoai khiến ai nghe đến là muốn được thưởng thức một lần.
Khi thưởng thức các món ăn và thức quà của Trà Vinh, hãy từ từ thư thái thôi, rồi bạn sẽ tận hưởng được hết hương vị ngọt ngào và hiền hòa của miền Tây thân thương.
Ảnh: dulichtravinh
Hồng Điệp (tổng hợp)