Nằm cách TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh hơn 10 km, Cồn Chim là một ấp cù lao thuộc xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, có diện tích 60 ha bạt ngàn đồng lúa, vườn cây. Để sang Cồn Chim nằm giữa sông Cổ Chiên, từ trung tâm TP Trà Vinh, chúng tôi di chuyển bằng xe khách đến bến phà Phước Vinh (tên gọi khác là phà Bà Trầm).
Phà lớn chạy trên dòng sông Cổ Chiên hiền hòa, chở nặng phù sa cùng hàng dừa nước và rặng bần xanh rì hai bên sông khiến tôi - người từng sinh ra và lớn lên ở miền Tây - như được quay trở về tuổi thơ.
Một góc Cồn Chim
Phà di chuyển không lâu, chúng tôi cập bến và được đón tiếp nồng nhiệt, chân tình bởi một nhóm người dân sinh sống ở Cồn Chim. Họ mặc trang phục áo bà ba đầy màu sắc rực rỡ, quấn khăn rằn, tay cầm nón lá, dù được "đặc chế" đầy khác biệt từ lá dừa nước, đưa chúng tôi vào cồn. Chúng tôi dùng nón lá, dù "đặc chế" dạo bước trên con đường làng, hai bên là đồng ruộng, thỉnh thoảng có đàn cò sà xuống bắt cá, tôm.
Cảm nhận đầu tiên khi bước qua cánh cổng làng được trang trí bằng chất liệu "cây nhà lá vườn" của Cồn Chim là cảm giác thanh bình đến lạ thường. Không gian đồng ruộng ngút ngàn, con đường rợp bóng dừa, những căn nhà lá mát mẻ... cùng sự niềm nở, mến khách của người dân Cồn Chim đã dần chiếm trọn cảm tình khách phương xa.
Địa điểm đầu tiên chúng tôi ghé đến là khu nhà của cô Bích Vân với không gian bếp xưa được trang trí mộc mạc nhưng rất dễ thương, tinh tế. Bước qua cây cầu khỉ bắc ngang con kênh nhỏ, chúng tôi ngồi vào những dãy bàn được bài trí ở cạnh ao, dưới tán cây râm mát, thưởng thức từng chén sương sâm mát lạnh.
Sương sâm được gia đình cô Bích Vân tự trồng, tự làm để đón khách nên giữ trọn vẹn hương vị thơm ngon tự nhiên. Ngoài sương sâm, gia chủ hiếu khách còn đãi mứt đu đủ, mứt dừa... với hương vị chân quê.
Cô Bích Vân tâm sự người dân ở Cồn Chim vẫn làm ruộng, trồng rau, nuôi cá, tôm, cua... bình thường bên cạnh hoạt động du lịch dưới sự cố vấn của cơ quan quản lý. Họ tận dụng những nguyên liệu "cây nhà lá vườn" làm nên những món ăn đặc trưng mà từng nhà tham gia hoạt động du lịch cộng đồng ở Cồn Chim sẽ phụ trách một món. Du khách không chỉ tham quan, thưởng thức đặc sản mà còn có thể hòa mình vào cuộc sống người dân Cồn Chim qua việc bắt cá, tôm, cua, hái rau, cùng chế biến món bánh xèo...
Sau khi thăm nhà cô Bích Vân, chúng tôi đến vườn dừa để thưởng thức nước dừa ngay tại vườn và ngồi thư giãn bên trong những lều tre yên tĩnh. Tiếp đó, cả đoàn chiêm ngưỡng một không gian xinh đẹp khác với bến nước đầy hoa súng đỏ và thưởng thức món bánh lá mơ chấm nước cốt dừa béo ngậy.
Theo lời của người hướng dẫn, nếu có nhiều thời gian trải nghiệm Cồn Chim, chúng tôi sẽ được tham gia các hoạt động như dỡ lờ, lợp bắt cá, tôm; xay bột, làm bánh hoặc chơi các trò chơi dân gian: chọi lon, bắn bi, kéo mo cau, banh đũa... Ngoài ra, Cồn Chim còn tổ chức họp chợ quê, bán các sản vật như rau, trứng, cá, bánh mứt...
Người dân ở Cồn Chim niềm nở đón khách
Bữa trưa tại Cồn Chim, chúng tôi cũng được thưởng thức ở một nhà dân với những món đặc sản chế biến từ cua, cá. Đặc biệt, chúng tôi được ăn món gỏi làm bằng cánh hoa bần non trộn với tép đất lột vỏ rất lạ miệng và thật ngon.
Được đón tiếp nhiệt tình từ những người dân chân chất, làm du lịch bằng cái tâm, chúng tôi lưu luyến chia tay Cồn Chim sau giờ nghỉ trưa, tạm biệt một chốn yên bình.
Đưa chúng tôi ra tận phà, những người dân mặc áo bà ba rực rỡ, quấn khăn rằn, nón lá lại nhiệt tình gửi lời chào từ biệt cùng mời gọi đến thăm lần sau.
Tôi tự nhủ mình chắc chắn sẽ quay lại để tiếp tục đắm chìm trong không gian yên bình, tĩnh lặng mà lại gần gũi thân thương đến lạ ấy lâu hơn, chậm rãi hơn. Chắc hẳn Cồn Chim rồi sẽ dần thay đổi theo nhịp sống hiện đại, theo sự phát triển thường thấy nhưng tôi kỳ vọng cái tâm chân thành và không khí trong lành sẽ mãi được gìn giữ.
Minh Khuê/ nld.com.vn