Ao Bà Om hay còn gọi là Ao Vuông, thuộc khóm 3, phường 8, thành phố Trà Vinh; cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7km, dọc theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Ao có hình chữ nhật, dài 500m, rộng 300m.
Thoạt đầu, bước chân tới ao Bà Om sẽ là cảm giác sảng khoái trước không khí tĩnh lặng, mát lành của hồ nước trong xanh, phẳng lặng. Xung quanh ao là những cây cổ thụ (phần lớn là cây sao, cây dầu) hàng trăm năm tuổi, rễ còn trồi lên khỏi mặt đất, tạo thành những hình thù kỳ lạ.
Ao Bà Om gắn liền với một số truyền thuyết, trong đó có truyền thuyết kể lại rằng, hàng năm, cứ vào mùa hạn thì nước ngọt khan hiếm, mùa màng thất bát. Để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm thuộc phái nam và nữ, đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia.
Bên nhóm nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên nhóm nữ, dưới sự lãnh đạo của một người tên Om, đã nghĩ ra nhiều cách để trì hoãn công việc của nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn thả đèn lồng ở phía Đông làm nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm.
Ảnh: travinh.tv
Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc. Ao của họ hiện vẫn còn dấu tích, tuy đã cạn nước. Còn ao của nhóm nữ được đặt theo tên của bà Om. Và truyền thống nam đi cưới nữ, con phải lấy họ mẹ trong dân tộc Khmer cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này, con mới lấy theo họ cha.
Còn có một câu chuyện khác giải thích cho tên gọi Bà Om. Xưa kia, có một vị hoàng tử rất độc ác trấn nhậm vùng đất Trà Vinh, bắt dân chúng phải dâng gái đẹp cho ông ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Một hôm, có một cô gái xinh đẹp đến gặp hoàng tử để lên tiếng phản đối tập tục vô lý này.
Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử muốn làm vừa lòng nàng, và muốn xóa bỏ tập tục mình đặt ra bằng cách cho mở một cuộc thi đào ao. Sau đó, mọi chuyện diễn ra như câu chuyện kể trên.
Ảnh: Sưu tầm
Theo các nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân gian thì có khoảng 10 dị bản giải thích địa danh ao Bà Om, gồm đủ các thể loại như truyện cổ tích, truyền thuyết, giai thoại... Có thể nói, đây là một trường hợp có nhiều giả thuyết nhất về tên gọi địa danh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Hầu hết các câu chuyện xoay quanh ba chủ đề chính: Giải thích tên gọi Ao Bà Om, lý giải người nam đi cưới người nữ và tại sao người Khmer có tục lệ theo họ mẹ? Các câu chuyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.
Vào những ngày lễ, Tết hàng năm của người Khmer, ao Bà Om trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng sôi động của cả vùng. Đây cũng là địa điểm vui chơi, cắm trại và chụp ảnh lý tưởng của người dân địa phương.
Gần ao Bà Om còn có chùa Âng, là một trong những ngôi chùa Khmer cổ nhất Việt Nam. Quần thể chùa Âng và ao Bà Om đã được Bộ VHTT & DL công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994./.
Theo Tạp chí Thế giới Di sản