Nhắc về Đồng Tháp, hẳn ai cũng phải nghĩ ngay đến những cánh đồng sen hồng bạt ngàn, nghĩ về quê hương của loài Sếu Đầu Đỏ quý hiếm. Nhưng đây cũng là vùng trũng nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long với mùa nước nổi mênh mông khắp nơi chỉ toàn nước với nước.
Khô cá sặc
Khô cá chốt
Khô cá lóc ướp cay
Chính mùa nước nổi ấy đã mang lại nguồn tài nguyên thủy sản dồi dào, nuôi sống biết bao thế hệ con người nơi đây. Và cũng chính từ những mùa nước nổi ấy đã sản sinh ra làng nghề cá khô ở nơi này - làng cá khô Phú Thọ.
Cá được sơ chế qua các bước cơ bản trước khi tẩm ướp gia vị và đem phơi
Khâu phơi cá
Các sân phơi khô với hàng chục dãy mỗi nơi
Từ thị trấn Tràm Chim theo Đường tỉnh 844 về thị xã Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, du khách dễ dàng bắt gặp rất nhiều cá khô được bày phơi san sát nhau ở hai bên đường cùng với nhiều gian hàng nhỏ bày bán đủ các loại khô cá nước ngọt có ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nơi đây khô cá được người dân thu mua từ các hộ dân làm nghề chài lưới trong vùng. Dễ thấy nhất là khô cá lóc (cá quả) được bày phơi chiếm phần lớn các sạp khô. Nhiều loài cá khác cũng được chế biến thành khô như cá sặc, cá trạch đồng, cá trèn, cá chốt...
Hai bên đường có nhiều gian hàng nhỏ bày bán nhiều loại khô cá khác nhau
Cá sau khi đánh bắt hoặc thu mua được sơ chế với các bước cơ bản như loại bỏ nội tạng, đánh vảy, định hình, ủ lạnh, vệ sinh lần cuối và tẩm ướp gia vị. Dù là đang ở giữa làng khô, hay thậm chí đứng giữa sân phơi khô, nhưng du khách khó lòng tìm thấy được cá khô nào bị ruồi bâu vào.
Du khách sẽ thật ngạc nhiên khi được tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình làm cá khô và nghe bà con nơi đây giải thích về sự kỳ lạ này. Chị Mai, chủ hãng khô Thanh Ngân, người có thâm niên nhiều năm trong nghề làm khô cho biết vì cá được rửa sạch nhiều lần, loại bỏ hết tất cả máu và ủ lạnh từ 2-3 ngày trước khi đem phơi nên không còn mùi tanh để hấp dẫn ruồi.
Chị Mai (chủ cơ sở sản xuất Thanh Ngân) bên gian hàng khô cá lóc của mình
Khô cá được loại mùi tanh hoàn toàn nên không thu hút ruồi
Khô cá trèn
Khô cá chạch
Thành phần tham gia nghề làm khô cá đồng nơi đây chủ yếu là phụ nữ. Mỗi nơi chế biến khô cá có khoảng 10 phụ nữ tham gia. Hầu hết các cô các chị đều là lao động thường xuyên và có thu nhập ổ định. Ngoài chuyện chăm lo đồng áng của nhà nông, việc tham gia nghề làm khô cá ở đây chủ yếu là phụ nữ, góp phần giải quyết việc làm ở nông thôn Đồng Tháp.
Lương Trang, theo baotnvn.vn