Kon Tum không chỉ là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số mà còn địa chỉ ẩm thực với những món ăn vô cùng hấp dẫn, độc đáo. Cùng với bún đỏ cao nguyên, gỏi lá, cá gỏi kiến vàng, dế chiên… thì món xôi măng mang lại một dư vị rất lạ.
Sáng sớm mỗi ngày, trên một số tuyến phố ở Kon Tum người ta vẫn thấy các bà, các chị bày những thúng xôi dẻo thơm, nóng hổi, bên cạnh đó là nồi măng xào vàng ươm. Chỉ 7 đến 10 ngàn đồng là có thể được thưởng thức một gói xôi măng gói trong lá chuối xanh mướt đủ năng lượng cho một ngày làm việc.
Bên cạnh măng xào, người bán còn khéo léo chế biến thêm cá kho đậm đà. Những hạt xôi căng mọng, vàng ươm, kèm chút măng xào và chút cá kho mặn ăn kèm. Vào ngày rằm hay ngày ăn chay, cá kho được thay thế bằng đậu phụ ăn cũng rất tuyệt vời.
Cách làm xôi măng khá đơn giản, măng tươi sau khi được lấy trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn rồi luộc sơ qua, đổ ra rổ cho ráo nước xào săn với gia vị cho đậm đà. Vùng đất này có nhiều măng và măng ở đây có vị thơm ngon rất đặc biệt nên miếng măng ăn giòn, ngọt.
Gạo nếp đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu vàng nhạt, gạo ngâm khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín thành xôi. Nghe thì đơn giản như vậy, nhưng để có một món xôi dẻo thơm, đậm đà vừa miệng cũng còn tùy thuộc vào sự tinh tế của người chế biến. Xôi quá lửa cũng dễ bị nát hoặc măng xào chín quá cũng mất hương vị. Người Kon Tum thích ăn cay nên mỗi bát xôi còn có thêm một quả ớt, không cầu kỳ nhưng rất bắt mắt và hấp dẫn.
Cùng với xôi măng, thì nếu đến huyện Sa Thầy, Kon Tum, nơi sinh sống của dân tộc Rơ Mâm đừng quên thưởng thức món cá gỏi kiến vàng độc và lạ. Thường người Rơ Mâm dùng kiến vàng và trứng để nấu canh, trộn gỏi, xào với thịt... nhưng giữ được hương vị thơm ngon nguyên chất nhất chính là cá gỏi kiến vàng.
Cá suối bắt loại vừa phải, bằng ba ngón tay, đem về làm sạch, băm nhuyễn. Kiến vàng chọn ổ kiến non, còn cả trứng đem về giã nhỏ để riêng. Lấy muối hạt, ớt xanh, tiêu rừng trộn chung cá với kiến vào, thêm chút thính gạo bột gạo rang vàng ươm, dậy lên mùi thơm. Lấy lá sung cuốn kiến, cá lại vừa miếng, vị ngọt của cá suối, vị béo của kiến non, vị cay xé của tiêu, ớt tạo nên hương vị thật tuyệt vời.
Nếu buổi sáng thưởng thức xôi măng thì chiều về, trong tiết se lạnh của đất trời cao nguyên, nhấm nháp chén rượu ghè thơm lừng, ngọt lịm với miếng gỏi kiến vàng chắc không còn gì thú vị hơn.
Ngọc Hồi (Đại Đoàn Kết)