Chúng tôi ghé quán cà phê “Eva” vào một chiều mưa tầm tã, ngay từ khi vừa bước chân vào cổng chúng tôi đã bị giật mình vì cảnh vật và cách bài trí có thể nói là “độc nhất vô nhị” ở đây.
Toàn bộ không gian phía trước bao phủ bởi cây xanh tán lá khá rậm rạp, ẩn hiện trong đó là những bức tượng, những khuôn mặt bằng gỗ, sắt với đủ sắc thái đầy ma quái. Nếu không chuẩn bị trước tâm lý có lẽ nhiều du khách sẽ co giò bỏ chạy vì nghĩ mình đã vô tình đi lạc vào một khu nhà mồ nào đó của người dân tộc Bana.
Bên ngoài xanh mướt một màu xanh đại ngàn
Quán cà phê không dành cho người yếu tim
Sắc trời xám xịt do mưa kéo dài nhiều ngày kết hợp với những tiếng mưa rả rích kéo dài lê thê không ngớt càng làm cho những cảnh vật, bức tượng trong quán trở nên huyền bí và có phần đáng sợ.
Sau khi tận mắt chứng kiến những bức tượng diễn tả đủ mọi biểu cảm của một con người từ cười, nói, khóc… chúng tôi tin rằng đây là một điểm đến rất thú vị cho những người ưa thích khám phá và phải thật gan dạ chứ những người yếu tim thì không nên bước chân vào không gian độc lạ nhưng có phần cổ quái này.
Bên trong quán được bài trí giản dị theo phong cách không gian văn hóa Tây Nguyên
Được biết, theo quan niệm của người Bana thì cái chết không phải sự kết thúc mà nó là khởi đầu cho một cuộc sống mới, ở một thế giới mới. Vì vậy, người chết khi về với Yàng (tức Trời - PV) vẫn sẽ tiếp tục lao động, sinh hoạt… như khi còn trên dương thế. Đó là nguyên nhân người Bana sẽ dựng lên nhà mồ với gần như đầy đủ các vật dụng sinh hoạt hàng ngày như hạt giống, cây trồng… cho người thân của mình mỗi khi họ qua đời.
Ông Nguyễn Ngọc Ẩn- chủ quán Eva Coffee
Xung quanh những ngôi nhà mồ luôn có những bức tượng với những hình thù cổ quái, thậm chí có nhiều người cho là khá dung tục. Tuy nhiên, nó lại phản ánh đúng “chất” của người Bana, họ sợ người thân của mình ở thế giới bên kia sẽ bị cô đơn nên đã dựng lên những bức tượng hình người với đủ mọi trạng thái từ hỷ - nộ - ái - ố với mong muốn chúng sẽ thay mình trò chuyện, chăm sóc và bảo vệ cho người thân đã khuất. Ngoài ra, tượng nhà mồ còn là cầu nối tâm linh giữa người chết với những thành viên trong gia đình, dòng họ.
Chính vì vậy, mỗi khi nhắc đến nhà mồ hay tượng nhà mồ thì người ta sẽ liên tưởng đến cái chết cùng những điều ghê rợn, đáng sợ. Nhiều người thì chỉ muốn tránh thật xa để khỏi bị tà ma, vận đen đeo đuổi. Vậy mà, trong con mắt của một người nghệ sĩ như ông Nguyễn Ngọc Ẩn (59 tuổi) thì những bức tượng ai cũng khiếp sợ đó không chỉ chứa đựng một phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo mà nó còn là cả một bảo tàng lưu giữ những văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của đồng bào Tây Nguyên.
Những bức tượng được đục đẽo thủ công bằng rựa nên sắc nét, trông cổ quái và có phần đáng sợ với những ai yếu bóng vía
Vốn là một nghệ sĩ đam mê sự mộc mạc, chất phác nhưng gần gũi, độc đáo của người Bana nên khi tận mắt chứng kiến nền văn hóa đó đang dần biến mất trong xã hội hiện đại khiến ông không khỏi cảm thấy tiếc nuối. Để tự thỏa mãn niềm đam mê của mình, cũng là góp phần gìn giữ cái “hồn” của Tây nguyên, ông Ẩn đã quyết định xây dựng một bảo tàng “nhà mồ” thu nhỏ ngay trên mảnh đất của gia đình mình.
Vì được xây theo phong cách nhà mồ của người Bana nên quán cà phê Eva có một không gian vô cùng cổ quái và đầy vẻ ma mị, hầu hết những khách hàng lần đầu tiên đến quán đều có chung cảm giác rờn rợn, nhưng khi quen sẽ thấy đó là một công trình rất độc đáo.
Quán cà phê theo kiểu nhà mồ này đón hàng ngàn lượt khách du lịch đến tham quan và chụp hình mỗi năm. Du khách tới đây đều có chung một cảm giác mới lạ và thích thú, đây cũng được coi là bước khởi đầu để họ hiểu hơn về phong tục tập quán của người Tây Nguyên trong quá trình khám phá văn hóa của vùng đất “đại ngàn” hùng vĩ.
Nơi gìn giữ hồn cốt đại ngàn Tây Nguyên
Trong không gian khoảng 1000 m2 được ông Ẩn bố trí hàng chục bức tượng được đục theo phong cách tượng nhà mồ của người Bana với đủ mọi biểu cảm khác nhau. Đặc điểm chung của những bức tượng này là đều được những nghệ nhân chế tác hoàn toàn bằng rìu nên nó mang một phong cách mộc mạc, thô sơ, phần nào giống với tính cách giản dị, chân thật của con người nơi đại ngàn Tây Nguyên.
Gian bếp của người Bana được tái hiện với những vật dụng đơn sơ mà gần gũi, ấm áp
Cà phê Eva được chủ nhân là ông Nguyễn Ngọc Ẩn cùng vợ mình xây dựng cách đây hơn 20 năm (bắt đầu xây dựng từ năm 1994). Vốn là một người công tác trong lĩnh vực nghệ thuật nên chính cái vẻ tưởng chừng như mộc mạc, thô cằn của người Tây Nguyên lại làm cho trái tim người nghệ sĩ của ông cảm thấy yêu mến, say đắm. Chính điều này đã thúc giục ông muốn làm một điều gì đó để góp phần gìn giữ, bảo tồn vẻ đẹp tâm hồn của người Tây Nguyên, cho con cháu mình và cả xã hội sau này.
Theo lời ông Ẩn tâm sự, thời gian đầu, gia đình, bạn bè thấy ông muốn làm quán cà phê với ý tưởng như vậy thì đều kêu ông là kẻ “gàn dở”, chẳng ai ngược đời đi làm quán cà phê theo kiểu nhà mồ của người chết. Nhưng với quyết tâm của bản thân, sự động viên của người bạn đời và đặc biệt là tình yêu với nét đẹp độc đáo với những bức tượng nhà mồ nên ông đã làm.
Trong giai đoạn đầu tiên, ông Ẩn phải tự mình vào các buôn, làng lựa chọn những khúc cây, khúc gỗ sao cho phù hợp với hình dáng của những bức tượng cần chế tác. Sau đó, ông tự mình vẽ mẫu rồi thuê người về đục.
Trong quán có gần trăm bức tượng với đủ hình dáng, kích thước, biểu cảm
Tuy nhiên, hầu hết những bức tượng được chế tác đều không vừa ý vị chủ quán. Vì theo ông, hầu hết những thợ ông thuê đục đều không làm nổi bật được cái hồn mà người nghệ sĩ muốn gửi gắm vào tác phẩm. Mặc dù, thoạt nhìn có thể bức tượng đó rất đẹp và trơn tru nhưng điều ông Ẩn muốn là diễn tả cảm xúc bên trong, đó cũng chính là văn hóa bao đời nay của người dân Tây Nguyên.
Chính vì vậy, sau đó, ông phải tự tay chế tác hoặc cùng những học trò có cùng tâm huyết nghiên cứu tỉ mỉ để tạo ra những tác phẩm được mệnh danh là “Nơi lưu giữ cái hồn của người Tây Nguyên” như hiện tại.
Ban đầu, khi hình thành ý tưởng xây dựng quán cà phê theo phong cách nhà mồ, ông Ẩn chỉ nghĩ đây là một không gian riêng của bản thân và một số người bạn; cũng là nơi để ông lưu giữ những giá trị văn hóa của người Tây Nguyên đang ngày bị mai một theo sự phát triển của kinh tế, xã hội hiện đại.
Thế nhưng, vượt quá sự mong đợi ban đầu của chủ nhân, ý tưởng tưởng như “gàn dở” của ông dần dần lại trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. Từ người hiếu kỳ đến những người hiểu biết về nghệ thuật, một lần đã đến với không gian của “Eva coffee” đều cảm thấy rất yêu thích và cho rằng đây là một trong những quán cà phê độc đáo nhất nhì ở Tây Nguyên.
“Tiếng lành đồn xa”, trong nhiều năm liền, “Eva coffee” luôn được mọi người bình chọn là địa điểm du lịch đáng đến nhất mỗi khi đặt chân đến Kon Tum bên cạnh những địa danh nổi tiếng từ lâu như: nhà thờ gỗ, tượng Đức Mẹ, thác Pa Sỹ…
Theo baophapluat.vn