Làng cổ Phước Tích cách thành phố Huế khoảng 40km về phía bắc, nằm bên dòng sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cùng với làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội) và làng cổ Đông Hoà Hiệp (Cái Bè - Tiền Giang), làng cổ Phước Tích là ngôi làng bảo lưu được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống và được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia.
Làng cổ Phước Tích có một lịch sử lâu đời. Làng được thành lập vào thế kỷ XV, trong thời gian mở mang bờ cõi về phương nam của nước Đại Việt. Phước Tích có một cấu trúc và cảnh quan nông thôn điển hình của vùng Bắc Trung Bộ, chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hoá. Không gian làng tràn ngập màu xanh của cây cối. Trong làng có nhiều ngôi nhà ở, nhà thờ cổ, đình, đền, chùa, miếu có tuổi đời hàng trăm năm. Phước Tích cũng là làng nghề với nghề gốm được phát triển lâu đời, là di sản văn hoá riêng của làng và của xứ Huế.
Tên gọi đầu tiên của làng là Phúc Giang, như mong muốn một vùng gần sông nước nhiều phúc lộc. Đến thời Tây Sơn, tên Phúc Giang được đổi thành Hoàng Giang, để nhớ đến dòng họ khai canh lập làng. Đến đời vua Gia Long nhà Nguyễn, làng được đổi tên thành Phước Tích, như là mong muốn của người dân được tích lũy phúc đức cho con cháu.
Nhà ông Trương Công Huấn
Phước Tích còn bảo lưu được nhiều ngôi nhà cổ dân gian truyền thống. Trong số 117 nóc nhà ở làng, có 27 ngôi nhà cổ đã được lập hồ sơ để bảo tồn. Những ngôi nhà cổ ở Phước Tích đều có kiểu kiến trúc nhà rường với khung gỗ, mái ngói, xung quanh là sân vườn. Điều đặc biệt là hầu hết các ngôi nhà ở nói riêng và kiến trúc nói chung ở làng Phước Tích đều có bình phong phía trước. Đây là một nét độc đáo của kiến trúc nơi này.
Nhà bà Lê Ngọc Thị Thí
Nhà ông Lương Thanh Khiếu
Nội thất nhà ông Lương Thanh Khiếu
Nhà thờ họ Nguyễn Phước
Làng Phước Tích có nhiều dòng họ lớn như họ Hoàng Minh, họ Lê Trọng, họ Lê Ngọc, họ Hồ Văn, họ Trương Công, họ Nguyễn Phước… Các dòng họ này đều có nhà thờ họ ở trong làng. Nhà thờ họ là một hệ thống kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của làng cổ. Các công trình này đều có bình phong ở phía trước.
Nhà thờ họ Lê Trọng
Đình làng Phước Tích - được khởi dựng từ năm 1470 - cùng thời gian lập làng. Kiến trúc đình hiện nay được xây dựng sau này và được tu bổ năm 1999
Cũng như nhiều làng cổ, Phước Tích có một hệ thống kiến trúc tôn giáo – tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu… Các công trình này đều có tuổi đời hàng trăm năm.
Chùa Phước Bửu nằm ngay ở đầu làng
Miếu Cây Thị - một trong những kiến trúc cổ và là không gian tâm linh của làng cổ Phước Tích
Miếu Đôi – một dấu tích văn hóa – tín ngưỡng từ thời Chăm Pa
Miếu Bà Liễu Hạnh – ghi dấu ấn về sự mở rộng và ảnh hưởng văn hóa – tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuống phía nam
Được bao bọc bởi dòng sông Ô Lâu, cuộc sống gắn liền với sông nước nên từ xưa Phước Tích có nhiều bến nước. Những bến nước này thường nằm ở đầu xóm để thuận tiện cho việc sinh hoạt và đi lại đường thuỷ. Hiện tại làng còn 12 bến nước với những cái tên dân gian như Bến Đình, Bến Chùa, Bến Hội, Bến Cừa, Bến Cạn, Bến Cây Thị…
Ao sen trong làng
Làng cổ Phước Tích đẹp bình dị với những kiến trúc cổ trong màu xanh cây cối. Ở đây không có hàng rào xây gạch mà các hàng rào đều được làm từ cây xanh
Cuộc sống nơi đây bình yên, chậm rãi
Gốm Phước Tích đã có hơn 500 năm tuổi. Vào những năm 1980, nghề gốm ở làng suy thoái bởi nhiều lý do. Nhưng gốm Phước Tích đã trở lại vào năm 2006 qua dịp Festival Huế. Với sự hỗ trợ của chính quyền và một số tổ chức nước ngoài, gốm Phước Tích đang dần hồi sinh và đem lại nét văn hoá truyền thống của làng nghề.
Làng cổ Phước Tích thực sự là một di sản sống với nhiều giá trị. Tới Phước Tích, du khách sẽ thấy một không gian sông nước mênh mang, một không gian làng quê bình yên với nhiều di sản kiến trúc quý giá; để lại những kỷ niệm khó phai mờ.
Theo VOV.VN