Tương truyền, chùa Tĩnh Lâu tọa lạc trên một khu đất cao ở cuối làng Hồ Khẩu (Miệng hồ), mặt chính điện nhìn về phía sông Hồng ở hướng Đông - Bắc. Dưới thời Lê, nơi đây thuộc huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, kinh thành Thăng Long. Tương truyền ban đầu chỉ có một am nhỏ thờ các vương tôn quí tộc thời Lý, về sau am mới trở thành chùa thờ Phật. Vì do sư sãi trông coi nên còn có tên là chùa “Sãi”, lâu dần dân làng gọi chệch ra chùa “Sải”.
Chùa Tĩnh Lâu cổ kính nằm bên bờ hồ Tây
Theo văn bia để lại, năm Mậu Ngọ (1618) khi Hà Đông có hạn lớn, các quan nội phủ theo lệnh chúa Trịnh Tùng đã về chùa làm lễ cầu đảo được linh ứng. Năm Canh Thân (1620), Trịnh Tùng xuống chiếu ban vàng bạc và thu hồi 10 công mẫu đất hương hoả của chùa làng đã bị một số người có thế lực chiếm dụng để trả lại cho hai chùa Chúc Thánh, Thanh Lâu.
Chùa từng mang tên chữ là “Thanh Lâu tự” trong suốt hơn hai thế kỷ, trên quả chuông chùa đúc năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tấm bia hậu dựng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) đều vẫn khắc tên như thế. Nhưng trên một tấm bia khác ghi việc tu bổ chùa vào năm Tự Đức thứ 14 (1862) đã thấy thay bằng chữ “Tĩnh Lâu tự” và tên đó được dùng cho đến ngày nay.
Ngày nay, chùa nằm trên một khuôn viên rộng có nhiều cây xanh cổ thụ bao bọc. Trước chùa là Hồ Tây, chùa còn có cây bồ đề biểu trưng cho sự giác ngộ Phật pháp, chính vì lẽ đó mà người xưa đã coi đây như một thắng cảnh bậc nhất của Hà Nội.
Ngay trước cổng chùa là cây bồ đề biểu trưng cho sự giác ngộ Phật pháp
Bên trong tam quan có khoảng không thoáng mát yên tĩnh lạ thường, đúng như lời giới thiệu trong câu đối trước tam quan chùa: “Hộ Thượng Tịnh Lâu thuý trúc, hoàng hoa giai phật tử/ Môn tiền, sạn phát, trường tùng, tế thảo thị chân thư” (Chùa Tĩnh Lâu ở trên có hồ trúc đẹp, hoa vàng đều là cõi của Phật/ Nơi thờ tự trước cửa có tùng già, cỏ xanh, ấy chính chốn chân tu).
Chùa có kiến trúc cổ, khu chính điện được kết cấu theo kiểu chữ đinh, gồm năm gian tiền đường và bốn gian hậu cung, có bậc tam cấp chạy dài, hai bên là cột đồng trụ có câu đối, có nghê chầu nghiêm trang và cổ kính. Gắn liền với năm gian tiền đường là toà thượng điện - nơi thờ Phật và các Bồ Tát.
Chùa có những nét kiến trúc rất riêng mà ít nơi có được
Chùa lợp ngói mũi hài theo lối kiến trúc bề thế cổ kính, bờ nóc ở hai đầu kìm đắp hai dấu vuông. Phía trước chùa được mở đầu bằng hai cột đồng trụ xây nối liền với tường hồi của gian tiền đường, trên đỉnh cột đồng đắp đôi nghê trong tư thế chầu nhằm thể hiện mục đích soi xét tâm linh con người trước khi bước vào cửa thiền.
Ngày nay, chùa Tĩnh Lâu vẫn còn lưu giữ được những tác phẩm có giá trị mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17, đặc biệt là toà Cửu Long của chùa được làm khác các toà Cửu Long khác với hình dáng như chiếc lọng che thực sự là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Các pho tượng khác được tạo tác công phu, đường nét thanh thoát, là những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo và kế thừa được phong cách các pho tượng chuẩn của thế kỷ 16, 17.
Ba pho tượng Tam thế trong chùa được tạo tác gần với kích cỡ của người thật, trong tư thế ngồi kiết già trên đài sen. Đặc biệt tại chùa còn bảo tồn được một quả chuông cỡ lớn có niên đại Cảnh Thịnh thứ 7 (1799). Trong chùa còn lưu giữ 15 tấm bia đá, khu vườn Tháp mộ cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ đã khiến cho di tích chùa Tĩnh Lâu trở thành một công trình kiến trúc Phật giáo hoàn chỉnh và là một cấu trúc nguyên mẫu về chùa cổ Việt Nam.
Theo laodongthudo.vn