Chùa Bà Đanh còn gọi là Bảo Sơn tự, có cảnh quan sơn thuỷ hữu tình, thanh u, cô tịch và linh thiêng nổi tiếng ở tỉnh Hà Nam.
Đi qua chiếc cầu treo Cấm Sơn bắc qua sông Đáy, vòng lên một đoạn đường đê vắng vẻ, du khách sẽ thấy tấm biển “Di tích lịch sử văn hoá chùa Bà Đanh và núi Ngọc". Lối dẫn vào chùa nay đã trải nhựa phẳng lì, hai bên đường là hàng nhãn và vải xanh rợp bóng.
Trước cổng chùa Bà Đanh có nhiều cây cổ thụ, trong đó phải kể tới hai cây lộc vừng lâu năm, xòe tán, vừa tạo bóng mát, vừa làm tăng vẻ thâm nghiêm, u tịch của ngôi chùa
Chùa Bà Đanh là một tổng thể bao gồm nhiều công trình với gần bốn mươi gian (chưa kể hệ thống nhà cầu) đan xen, bổ trợ cho nhau. Theo nhân dân địa phương cho biết thì ngôi chùa này được xây dựng từ lâu đời và đã được tu sửa nhiều lần.
Quang cảnh chùa nhìn qua khe cổng
Cổng tam quan của chùa được xây dựng khá uy nghi, hoành tráng. Cổng có ba gian, hai tầng, ở trên là gác chuông, ở dưới là hệ thống cửa gỗ hoa văn đơn giản.
Tuy nhiên, cổng chính chỉ mở khi chùa có đại lễ, những ngày thường du khách phải đi qua hai cổng nhỏ hai bên với mái ngói cong như hình bán nguyệt.
Mái ngói cong cong trên cổng phụ
Mái ngói rêu phong phủ màu thời gian được trải đầy hoa đại
Bước qua cánh cửa cổng khép hờ là khuôn viên rộng rãi, lát gạch tinh tươm rất sạch sẽ. Trong khuôn viên chùa có đặt nhiều chậu cây cảnh, giỏ phong lan, đặc biệt là những hàng cau khẳng khiu vươn cao và nhiều hiện vật cổ.
Chiếc chuông đồng cổ kính trong chùa Bà Đanh
Trước đây, chùa nằm ở vị trí u tịch, xa dân cư, ba mặt là sông, rừng rậm chắn, lối đi độc đạo, lại có nhiều thú dữ nên ít người dám vào. Cách duy nhất an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy nhưng vì bất tiện nên người hành hương thưa thớt. Vì lẽ đó, dân gian mới có câu “Vắng như chùa Bà Đanh”
Chùa Bà Đanh
Nhiều năm nay, ngôi chùa này đã không còn vắng vẻ, hiu quạnh nữa. Đặc biệt, sau khi danh thắng này được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1994, cùng với việc nhiều công trình văn hóa lớn được xây dựng ở khu vực lân cận, như sự ra đời của chùa Tam Chúc, khiến đông đảo du khách thập phương đổ về đây vãn cảnh chùa. Câu “vắng như chùa bà Đanh" xưa kia giờ đã được cải biên thành:
“Ngày xưa vắng ngắt vắng ngơ,
Bây giờ tấp nập như chùa Bà Đanh”
Cũng giống kiến trúc của nhiều ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc Bộ, chùa Bà Đanh là một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm nhà bái đường, nhà thượng điện, nhà trung đường, phủ thờ Mẫu, nhà tổ…
Hình chạm khắc rồng tinh xảo trên mái chùa
Bên cạnh đó, chùa Bà Đanh cũng có nét độc đáo riêng. Ngoài thờ Phật, ngôi chùa này còn thờ Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Điện, Pháp Phong, là Thần mây, Thần mưa, Thần sấm, Thần sét) – những vị thần đóng vai trò quan trọng đối với đời sống nông nghiệp của người Việt.
Theo tín ngưỡng địa phương, hình tượng Bà Đanh chính là Đức thánh Pháp Vũ, nữ thần linh thiêng trông coi việc điều mưa khiển gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Chùa không chỉ có tượng Phật mà còn có tượng của Đạo giáo, như Thái Thượng Lão Quân, Nam Tào, Bắc Đẩu, các tượng Tam Phủ, Tứ Phủ, Pháp Vũ...
Ban công đồng, chùa Bà Đanh, Hà Nam
Ban Đức Chúa, chùa Bà Đanh, Hà Nam
Có dịp đến Hà Nam, du khách không nên bỏ qua danh thắng Chùa Bà Đanh - Núi Ngọc, để thưởng ngoạn không khí thanh tịnh, xua tan mọi mệt mỏi, lo toan của cuộc sống và khám phá những nét đẹp văn hóa, truyền thống nơi đây.
Lan Hương/ Vietnam Journey