Quần thể chùa Tam Chúc ở thị trấn Ba Sao (tỉnh Hà Nam) vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Để hoàn thành dự án này, nhà đầu tư dự kiến phải mất thêm 30 năm nữa. Khi đó, Tam Chúc sẽ trở thành ngôi chùa lớn nhất thế giới với diện tích quần thể lên tới 5.000 ha. Ngoài ra, ngôi chùa này còn được tạc 1.200 bức tượng bằng dung nham núi lửa và sở hữu nhiều báu vật trên thế giới.
Sáng 9/2 (mùng 5 Tết), hàng trăm chiếc ôtô và hàng nghìn xe máy được gửi tại bãi cách ngôi chùa này khoảng 3 km.
Để vào được khu vực quần thể chùa, khách phải xuống xe và đi xe điện với mức phí 30.000 đồng/người/lượt, còn khứ hồi là 40.000 đồng/người.
Lúc 9h, hàng nghìn người từ các tỉnh lân cận đổ về tham quan chùa nhân dịp đầu năm mới.
Nhóm các gia đình từ Hải Dương rủ nhau đi chùa Tam Chúc. Đến được gần khu vực cổng Tam quan, họ trải vải bạt mang đồ ăn ra thưởng thức trước khi vào trong.
Gạch vữa, đất cát ngổn ngang khắp các lối đi. Xung quanh đội ngũ công nhân vẫn hối hả làm việc.
Nhóm công nhân người Indonesia vẫn miệt mài làm việc trong nhiều ngày qua, kể cả Tết Nguyên đán để kịp đưa một số hạng mục vào sử dụng. Anh Edi Muntadha cho biết ở đây có cả công nhân đến từ Hàn Quốc, Ấn Độ. Họ đã làm việc ở Việt Nam được 3 năm.
Ngày mùng 5 Tết, tuy thời tiết chỉ nóng 28 độ C nhưng nắng khá gay gắt khiến cuộc du xuân của nhiều người dân trở nên vất vả.
Để lên được lên chùa Ngọc ở trên đỉnh, họ phải leo một chặng đường không quá dài nhưng dốc khá cao, nền đất lại không bằng phẳng, dễ bị ngã.
Hầu hết lối đi lại chưa có, du khách buộc phải giẫm lên sỏi đá để vào chùa. Nhiều người đã bị ngã vì trơn trượt.
Càng về trưa, lượng người đổ lên chùa càng đông. Ước tính con số du khách trong buổi sáng khoảng 10.000 lượt.
Nguyễn Phương Anh (áo măng tô, đến từ Thái Bình) cho biết biết được thông tin ngôi chùa đang xây có quy mô lớn nên tò mò đi cùng gia đình đến chơi. Trước khi đến đây, cô gái này đã đi chùa Keo. "Sau khi thăm chùa Tam Chúc xong, cả nhà em sẽ đi chùa Bái Đính ở Ninh Bình", Phương Anh tiết lộ.
Minh Tùng (trái) đến từ Hưng Yên. Thấy bạn kêu mệt, nam thanh niên này liền đưa tay để kéo bạn lên. Hai cô gái đi cùng ở phía sau cười rúc rích.
Nằm trong quần thể chùa Tam Chúc, chùa Ngọc nằm ở vị trí cao nhất tính đến nay. Đây là điểm cuối cùng mà du khách cần đến để hành hương. Ai leo được lên đây có thể đứng ngắm toàn cảnh khuôn viên chùa phía dưới cùng cảnh sắc non nước hữu tình.
Du khách thi nhau check-in, đứng hóng gió tại chùa Ngọc trong khi chờ xếp hàng vào trong.
Tại gian thờ Quan âm tuy các hạng mục chưa hoàn thành nhưng nhiều người vẫn vào trong làm lễ.
Điều khiến nhiều du khách tò mò đó là chùa Tam Chúc nằm trong vùng in đậm dấu ấn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như, động Vòng, động Cô Đôi, chùa Thiên Phúc, chùa Bà Đanh, đền Lý Thường Kiệt...
Cũng trong sáng mùng 5 Tết, khá nhiều người thành tâm đóng góp công đức xây chùa.
Người nào ít nhất cũng quyên góp 50.000 đồng.
Nắng nóng và việc phải leo dốc nhiều khiến phần lớn du khách mệt mỏi ngồi thở dưới bóng cây. Xung quanh đó đầy vật liệu xây dựng chất đống.
Theo Hoàng Hà/ Zing