Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 50 km về phía Nam, cách trung tâm TP Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 11 km, thuộc địa phận xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, giữa một vùng chiêm trũng nhô lên một quả núi mang tên núi Đọi.
Ngọn núi trông xa giống như một con rồng lớn hướng về phía kinh đô Thăng Long. Trên đỉnh núi có một ngôi chùa được xây dựng từ năm 1054 dưới triều Lý, do vua Lý Thánh Tông và Vương phi Ỷ Lan đích thân chủ trì xây dựng.
Chùa được mang tên núi, còn được biết đến với những tên gọi Diên Linh tự hay Long Đọi. Chùa rêu phong cổ kính, tuổi đời đã gần một nghìn năm.
Quần thể chùa rộng 10.000m2 được xây dựng trên đỉnh núi
Đến với chùa Đọi Sơn vào một ngày đầu hạ có mưa lất phất, vượt qua hơn 300 bậc đá, chúng tôi đã tới được ngôi cổ tự này.
Những bậc đá từ chân núi lên tới Cổng Tam Quan là bậc đá mới xây
Nếu như những bậc đã dẫn từ chân núi tới cổng Tam Quan là bậc đá mới, thì các bậc đá từ cổng Tam Quan lên chùa Đọi Sơn đã nhuốm rêu phong, tạo thêm vẻ cổ kính cho ngôi chùa.
Những bậc thang rêu phong đượm màu cổ kính
Từ trên đỉnh núi Đọi Sơn có thể phóng tầm mắt bao trọn khung cảnh thiên nhiên hữu tình, với những cánh đồng lúa xanh mát, đặc trưng của làng quê Việt Nam.
Quang cảnh bao la với màu xanh mát mắt với tầm nhìn từ chùa Đọi Sơn
Cổng Tam Quan của chùa Đọi Sơn
Trải qua gần 1.000 năm tuổi, ngôi chùa cổ còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá. Trong đó, quý giá nhất là tấm bia Sùng Thiện Diên Linh - bia cổ gần 900 năm tuổi, đặt trước Tòa Tam bảo - ấn tích Phật giáo huy hoàng thời Lý, đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Bảo vật quốc gia - Bia Sùng Thiện Diên Linh thời Lý
Bia được khắc chữ cả hai mặt. Mặt trước khắc chữ Hán, nội dung ca ngợi công lao tài trí của vua Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc xây dựng, kiến thiết và đánh giặc giữ nước, cũng như tình hình Phật giáo thời Lý…
Mặt sau bia ghi việc tu sửa chùa vào thời vua thứ 5 nhà Mạc, việc Thái hậu Ỷ Lan cúng vào chùa 72 mẫu ruộng làm ruộng đèn nhang và khắc bài thơ Đường luật của vua Lê Thánh Tông làm vào năm Quang Thuận thứ 8 (1467) nhân dịp nhà vua lên thăm chùa.
Sân chùa phủ đầy hoa đại tạo thành một bức tranh tĩnh lặng, nên thơ
Sắc vàng hoa đại nổi bật trên nền gạch thâm trầm cổ kínhNhững bức tượng cổ quý giá trong chùa Đọi Sơn
Những hình tượng trên các ban bệ thờ được tạo tác tinh xảo và rất khác biệt
Trong cả năm, hầu như chùa Long Đọi Sơn khá yên ả và vắng lặng
Dịp chùa nhộn nhịp, đông khách nhất là Lễ hội chùa Long Đọi Sơn được tổ chức vào ngày 21 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội chùa Long Đọi Sơn là dịp tưởng nhớ ngày giỗ vị cao tăng đắc đạo Hòa thượng Thích Chiếu Thường, đồng thời vinh danh những người có công với đất nước, có công xây dựng chùa như: Lý Thường Kiệt, Lý Nhân Tông, Nguyên phi Ỷ Lan, mẫu Liễu Hạnh…
Đến với chùa Long Đọi Sơn, du khách thập phương hành hương bái Phật vừa được chiêm ngưỡng ngôi chùa bề thế, uy nghi cùng cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp tại một trong những đại danh lam của tỉnh Hà Nam, vừa được tìm hiểu những giá trị lịch sử và văn hoá tâm linh trường tồn của ngôi cổ tự này.
Lan Hương/ Vietnam Journey