Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu Cách mạng tháng Tám thắng lợi hoàn toàn. (Ảnh tư liệu)
Quảng trường Ba Đình ngày nay vẫn là quảng trường lớn nhất Việt Nam với tòa nhà Quốc hội hiện đại đối diện. Quảng trường là nơi diễn ra các cuộc diễu hành nhân dịp ngày lễ lớn của Việt Nam, cũng là địa điểm tham quan, vui chơi của du khách và người dân Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhà hát Lớn Hà Nội và quảng trường trước nhà hát là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám. Ngày 19/8/1945, một cuộc mít tinh lớn của cách mạng diễn ra ở quảng trường Nhà hát lớn. Đoàn biểu tình sau đó tỏa thành nhiều mũi tiến hành tổng khởi nghĩa trên toàn thành phố. (Ảnh tư liệu)
Hiện nay, Quảng trường Cách mạng tháng Tám thuộc phường Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là một quần thể kiến trúc biểu trưng của Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dưới sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ, tổ chức Việt Minh thành Hoàng Diệu, cuộc mít tinh đã nhanh chóng biến thành biểu tình thị uy, qua đường Paul Bert tỏa đi khắp các phố phường Hà Nội. (Ảnh tư liệu)
Đường Paul Bert nay là phố Tràng Tiền với các tòa nhà xưa đã được tu sửa và là một trong những con đường cổ kính và đẹp nhất Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Điểm đánh chiếm đầu tiên là Phủ khâm sai Bắc Kỳ (Bắc Bộ phủ), cơ quan đầu não của chính phủ Trần Trọng Kim. Lính bảo vệ phủ đã hạ vũ khí trước sức mạnh của quần chúng nhân dân. Sau đó, nhân dân tiếp tục đánh chiếm sở mật thám, sở bưu điện, trại bảo an binh. (Ảnh tư liệu)
Bắc Bộ phủ nay có địa chỉ ở 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội được tu sửa và được sử dụng làm Nhà khách Chính phủ. Phần mái che sảnh trước tòa nhà vẫn giữ đặc trưng như 76 năm trước. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang là của ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ - những tư sản yêu nước. Trong những ngày Cách mạng tháng Tám 1945, hai người đã dành một phòng để làm nơi làm việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Trung ương Đảng. (Ảnh tư liệu)
Đây cũng là nơi đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và đưa ra quyết định khởi thảo bản Tuyên ngôn Độc Lập. Năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày 16/8, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) nhất trí chủ trương tổng khởi nghĩa. Cũng trong sáng 16/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội của Mặt trận Việt Minh đã được thành lập tại số nhà 101 phố Gambetta, nay là phố Trần Hưng Đạo. Ngôi nhà 101 Trần Hưng Đạo là một điểm di tích quan trọng trong chuỗi những di tích cách mạng, kháng chiến ở Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Theo Vietnam+
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |