Cụm di tích đình – đền – chùa Cầu Muối xây dựng từ thời Hậu Lê, cách đây khoảng 300 năm, được đặt tên theo địa danh của làng. Cụm di tích gồm 1 đình, 2 đền và 1 chùa, nằm ở thế tựa lưng vào núi.
Trải qua thời gian, đặc biệt là 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, đình - đền - chùa Cầu Muối đã được tôn tạo và tu sửa nhiều lần, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và khách thập phương.
Đình Cầu Muối
Đình Cầu Muối là địa điểm đầu tiên ghé đến trong hành trình về với cụm di tích nổi tiếng ở Thái Nguyên này. Đình thờ thần Thành hoàng làng là Cao Sơn Quý Minh Đại Vương (tức Dương Tự Minh), một tướng tài dưới thời nhà Lý.
Dương Tự Minh là người có công lớn đối với Thái Nguyên, sau khi ông mất nhân dân lập đền, miếu, đình để thờ cúng và tôn ông lên thành Thành hoàng làng. Đình có tiền đình và hậu cung. Ban thờ Dương Tự Minh ở hậu cung, tại đây cũng lưu giữ hương án và ngai thờ là những hiện vật gốc của đình.
Chùa Cầu Muối
Chùa Cầu Muối có tên chữ là Linh Sơn tự, tọa lạc trên ngọn đồi thoai thoải, khuôn viên rộng rãi. Cách bài trí ở chùa đều theo giáo lý của đạo Phật. Hiện nay, chùa còn lưu giữ được cây hương đá tứ diện Linh Sơn tự có từ năm Hoàng triều Vĩnh Thịnh 14 (1719).
Đền Công Đồng
Đền Công Đồng cách đình và chùa Cầu Muối khoảng 150m, tọa lạc trên một quả đồi. Đền gồm 3 gian tiền tế và 1 gian hậu cung. Đền Công Đồng thờ Mẫu Liễu Hạnh. Theo tương truyền, bà Chúa Liễu Hạnh qua 3 lần đầu thai được biết đến là người hiếu đạo, người dân suy tôn lên làm mẹ muôn người, biểu tượng cho sức mạnh của phụ nữ. Đền Công Đồng là nơi thờ tự chính của đạo Mẫu Tứ Phủ nên rất linh thiêng.
Đền Thượng
Điểm đến cuối cùng trong chuyến hành hương về với cụm di tích lịch sử đình – đền – chùa Cầu Muối là đền Thượng. Từ đền Công Đồng di chuyển khoảng hơn 300m về phía Tây Bắc, du khách sẽ tới đền Thượng nằm trên đỉnh một ngọn đồi cao. Đền Thượng thờ Mẫu Thượng Ngàn – một trong Tứ bất tử của đạo Mẫu. Trải qua những thăng trầm của thời gian, đền bị xuống cấp và được tôn tạo vào năm 1999.
Hiện nay, cụm di tích này còn lưu giữ được nhiều hiện vật gốc có giá trị nghệ thuật và niên đại cổ xưa như: chiêng núm đồng; chuông nhí đồng; giá văn tế; nhang án; ngai thờ; cối đá; bát hương gốm cổ; pho tượng và cây hương đá được lập năm 1719…
Du khách đến với cụm di tích Cầu Muối để cầu tài, cầu may, cầu sức khỏe. Trước đây, người đến chiêm bái chủ yếu là người trong tỉnh Thái Nguyên và những ước nguyện của họ đều thành hiện thực. Tiếng lành đồn xa, đình – đền – chùa Cầu Muối ngày càng được nhiều người tìm đến, không chỉ du khách khu vực phía Bắc mà có cả những người đến từ miền Trung, miền Nam.
Trong mâm lễ dâng lên các ban thờ khi đến với Cầu Muối không thể thiếu hai lễ vật là gạo và muối, tượng trưng cho sự đậm đà, ấm no.
“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”
Vì lẽ đó mà dịp đầu xuân năm mới, lượng du khách tìm về với đình – đền – chùa Cầu Muối cực kì đông. Ngày khai hội của đền Cầu Muối vào mùng 4 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài đến hết tháng Giêng. Dịp cuối năm, cụm di tích đình – đền – chùa Cầu Muối cũng sẽ mở cửa cho khách thập phương tới làm lễ, tỏ lòng biết ơn vì những điều mong cầu dịp đầu năm đã được như ý.
Cách Hà Nội khoảng chừng 70km về phía Đông Bắc, đường đi dễ dàng thuận tiện, cụm di tích đình – đền – chùa Cầu Muối là một địa điểm tâm linh đáng ghé thăm khi có dịp đến Thái Nguyên, đặc biệt đối với những ai làm nghề kinh doanh, buôn bán.
Ngọc Anh/VOVTV
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |