Làng Trung Tự xưa vốn thuộc phường Đông Tác, một trong 36 phường của kinh đô Thăng Long thời Lê. Đình làng tuy nhỏ nhưng phong thuỷ tốt, cổng (cũ) giáp đê La Thành, mé phải có chùa Phúc Long và đàn Xã Tắc, mé trái là đền Cao Sơn, lưng dựa hồ Khang rộng lớn. Ngày nay, nếu có dịp ghé thăm, du khách vẫn đi qua cổng làng, men theo con ngõ nhỏ dẫn vào đình.
Ngày nay, nếu có dịp ghé thăm, du khách vẫn phải đi qua cổng, men theo con ngõ nhỏ dẫn vào đình
Tương truyền, đình Trung Tự có từ cuối thế kỷ 17 trước đó là một ngôi đền nhỏ thờ thần Cao Sơn và Huệ Minh công chúa, sau mở rộng thành đình, có sắc phong Đại vương Thành hoàng làng là Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692). Đến nay, đình đã được tu sửa nhiều lần. Cổng đình nay mở về hướng tây, giáp ngõ 198 Xã Đàn.
Không chỉ mang đậm dấu tích cổ xưa, đình làng Trung Tự cũng là nơi chứa đựng nhiều dấu tích lịch sử. Cuối tháng Tám năm 1945, đình làng Trung Tự là địa điểm thành lập trung đội tự vệ chiến đấu và Ủy ban cách mạng lâm thời của làng Trung Tự. Thời kì kháng chiến chống Pháp, đình làng Trung Tự là nơi cất giữ truyền đơn, tập kết về nuôi giấu cán bộ về hoạt động trong vùng nội thành Hà Nội.
Ở lối vào đình, cây thị có tuổi đời hàng trăm năm xoè lá xum xuê
Ở lối vào đình, cây thị có tuổi đời đến gần bốn trăm năm xoè lá xum xuê, sừng sững đứng nghiêm trang cạnh cổng đình đã chứng kiến biết bao biến động của lịch sử. Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại thì cây thị thuộc loại “thất tuyệt” vì có 7 điều quý: Cây thọ, tán rộng, chịu được hạn, không có tổ chim, gỗ làm ván in, quả để cúng, vỏ chữa bệnh.
Đặc biệt, người xưa cho rằng, khi trồng thị, thế hệ đi trước đã ươm mầm những cảm xúc thiêng liêng để gửi lại cho con cháu đời sau. Cũng dưới bóng cây thị cổ thụ này, các cụ trong hội tư văn đã làm lễ tế các bậc tiên hiền nho học vào ngày 20 tháng 8 âm lịch hàng năm.
Ở ngay phía bên trái là nhà Tế có dựng tấm bia đá “Di ái bi” do Giải nguyên Nguyễn Thành Thể (cháu đích tôn của Đại vương Nguyễn Hy Quang) soạn năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 2, đời vua Lê Hiển Tông.
Đình chính ngày nay vẫn còn giữ được nhiều kỉ vật vô giá
Sân đình Trung Tự ngày nay đã bị thu hẹp nhưng vẫn đủ chỗ làm bàn cờ người, thường chơi trong những ngày hội làng vào dịp rằm tháng ba âm lịch hàng năm. Tham quan quanh đình Trung Tự, có thể thấy nơi đây còn tồn tại rất nhiều những kỉ vật vô giá. Đình có tất cả 14 câu đối, trong đó có 5 đôi câu đối cổ và hoành phi (còn gọi là đại từ).
Trong cung thờ thánh là nơi linh thiêng nhất nên sẽ không ai được vào trừ người phụ trách. Các đồ tế khí, cổ vật trong đình như: Bức đại tự, bức chạm quần long, bốn cỗ long ngai, long đình, hai cỗ kiệu, các đôi câu đối cổ, mõ gỗ hình cá, chuông cổ trong hậu cung, bia hộp, giếng ngọc đều được bảo tồn và gìn giữ cho đến ngày nay.
Đặc biệt phải kể đến long ngai đời nhà Mạc (tiêu biểu cho phong cách của thế kỷ XVI) có hình đầu rồng quay vào trong mà hiện tại cả nước chỉ còn chín ngai dạng này. Kế tiếp là một hương án sơn son thếp vàng được chạm trổ hình hổ phù tứ linh niên đại thế kỷ XVII và một mõ gỗ cá dài 1,93m với kích thước khoang bụng là 1,1m có từ đời nhà Mạc.
Long ngai đời nhà Mạc vẫn còn được gìn giữ ngay tại lối vào đình
Cho đến nay, những câu chuyện về mõ cá gỗ vẫn được người dân ở đây truyền tai nhau kể lại. Người ta kể rằng, khi nhà Mạc có nạn lụt, mõ cá rỗng trôi đến địa điểm này rồi mắc lại không đi nữa, người làng liền vớt lại để vào đình và coi như báu vật để lưu giữ và cho đến thời điểm hiện tại mõ cá vẫn được bảo quản gần như nguyên vẹn.
Cũng chính vì những giá trị còn nguyên vẹn đó mà đình Trung Tự được xếp hạng Di tích Quốc gia vào năm 1992. Trải qua bao biến thiên của thời gian, đình Trung Tự đã khoác lên mình rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí. Mặc dù không giải thích được rõ thực hư nhưng những dấu tích xưa của ngôi đình sẽ còn được người dân gìn giữ mãi cho đến mai sau.
Theo Lao động Thủ đô