Hồ Quan Sơn cách Hà Nội khoảng 50 km về hướng Nam Tây Nam. Hồ rộng khoảng 850 ha nằm trên địa bàn các xã Thượng Lâm, Tuy Lai, Hồng Sơn của huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội và một phần nhỏ sang huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình. Trong lòng hồ có nhiều núi đá vôi nhô lên, vì vậy mà Hồ Quan Sơn được mệnh danh là "Hạ Long trên cạn" và là một thắng cảnh du lịch nổi tiếng của địa phương.
Hồ Quan Sơn với nhiều núi đá vôi
Hồ Quan Sơn được hình thành từ những năm 1960, sau khi được khoanh vùng bởi một con đê bao dài 20 km chạy dọc từ Thượng Lâm đến xã Hợp Tiến nhằm ngăn chặn lũ. Việc khai thác du lịch các quần thể vùng Quan Sơn được quy hoạch với gần 3.000 ha thuộc địa phận bốn xã: Hợp Tiến, Tuy Lai, Hồng Sơn, Thượng Lâm, gồm phần lòng hồ rộng 850 ha (dài 16 km, rộng 2 km); gần 100 ngọn núi đá vôi, độ che phủ rừng tái sinh hơn 80%.
Khu du lịch Quan Sơn mang nhiều dấu ấn một vùng văn hóa dân tộc, đậm sắc thái lễ hội truyền thống và nếp sống thuần khiết của làng xóm Việt Nam. Khu Quan Sơn có các chùa như Hàm Long, Linh Sơn Tự, Ngọc Linh Tự, Bàn Long Tự, Thung Phật... và nhiều di tích lịch sử văn hóa khác.
Mặc dù điều kiện dịch vụ và cơ sở hạ tầng còn thiếu nhưng Quan Sơn là vẫn điểm đến hấp dẫn du khách bởi cái đẹp tự nhiên, thuần phác đến mức hoang sơ.
Đến Quan Sơn, du khách sẽ được các thuyền nhỏ chở đến leo núi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, thực vật ở các đỉnh núi đá: Hòn Mê, Mõm Nghé, Đá Bạc, Quai Chèo... hoặc Cửa Thung Voi Nước, núi Bàn Cờ, Hoa Quả Sơn, núi Chim, Chùa Cao, núi Mối. Khách có thể tham quan nhiều thắng cảnh đẹp và chơi các môn thể thao nước, bơi thuyền và thưởng thức các món thủy sản như cá, tôm, cua, ốc núi tươi sống.
Hồ Quan Sơn đến nay vẫn giữ được cảnh sắc hoang sơ
Khách tham quan có thể thưởng thức các món thủy sản như cá, tôm, cua, ốc núi tươi sống
Thời điểm thích hợp nhất để đi du lịch Hồ Quan Sơn là giữa tháng 5 đến giữa tháng 6 dương lịch, bởi lúc đó vào mùa Sen nở. Khi đó bạn sẽ được cảm nhận một vườn sen nở tràn ngập trên mặt hồ, khiến cho quang cảnh nơi đây càng trở lên đẹp vô cùng.
Quan Sơn mùa sen nở
Còn nếu bạn không đến được vào mùa Sen nở thì những thảm trang trang phủ kín mặt hồ cũng tạo nên những góc đẹp hoang sơ không kém bất kỳ một danh thắng nào.
Những thảm trang trang phủ trên mặt hồ
Đường đi Quan Sơn khá dễ, bạn có thể đi xe máy hoặc xe bus. Đường đi giống với đường đi Chùa Hương, từ Hà Nội bạn đi xuống Hà Đông, đến Ba La rẽ trái đi Vân Đình, Tế Tiêu. Tuy nhiên do các điều kiện dịch vụ hạ tầng còn thiếu, nên du khách chẳng thể lưu lại được lâu mà thường đi và về trong ngày.
Vì thế khi lên kế hoạch du lịch Hồ Quan Sơn thì các bạn nên tự chuẩn bị đồ ăn cho nhóm. Trên đường từ Hà Nội đến Khu du lịch Hồ Quan Sơn khi đi qua Vân Đình bạn có thể mua các món ăn từ Vịt Cỏ Vân Đình để dùng bữa cũng vô cùng tuyệt vời.
Vịt cỏ Vân Đình – món đặc sản không nên bỏ qua khi du lịch Hồ Quan Sơn
Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các bạn những thông tin bổ ích cho chuyến du lịch Hồ Quan Sơn. Bạn còn chờ đợi gì nữa, hãy lên kế hoạch cho chuyến tham quan Hồ Quan Sơn vào thời gian gần nhất.
Anh Vũ, theo dulichvietnam.com.vn