Du lịch nội địa đã có bước chuyển mạnh mẽ tạo áp lực không nhỏ đối với những địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện mới có khoảng 50% lực lượng lao động trong ngành du lịch quay trở lại làm việc. Trước mắt, nhiều doanh nghiệp du lịch của tỉnh này đã ký hợp đồng ngắn hạn với người lao động, tạo điều kiện và cam kết giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách đối với người lao động.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, ngành du lịch phối hợp với các cơ sở đào tạo để đưa các sinh viên năm cuối đến thực tập tại các doanh nghiệp, nhất là ở các khách sạn: “Hiện nay, ngành vận động các doanh nghiệp có hình thức ưu đãi về thu nhập, linh hoạt trong việc sắp xếp việc làm để người lao động yên tâm trở lại làm việc. Thứ hai, tỉnh cũng đang xem xét để có một số cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch."
Khi lượng khách nội địa tăng nhanh, nhiều điểm đến ở miền Trung đã gặp khó khăn về nhân lực. Tại thành phố Đà Nẵng, nhân sự cho khối khách sạn, lưu trú ngày càng thiếu vắng. Ông Gentzsch André, Tổng Giám đốc điều hành quần thể du lịch Ariyana Đà Nẵng cho rằng, về lâu dài, ngành khách sạn của Việt Nam nên có những mô hình “vừa học vừa làm”. Tức là, mỗi tuần sinh viên đều có ngày làm việc được hưởng lương, bên cạnh các buổi học trên trường. Mô hình này không chỉ giúp người học gắn lý thuyết với thực tiễn mà còn có thu nhập tương đối hấp dẫn để hỗ trợ cho việc học hành.
“Thật khó để thuyết phục một lao động trẻ bỏ ra 1 - 2 năm với mức lương thấp để vừa làm vừa học việc. Trong khi bạn bè của họ nhận lương tốt hơn với công việc khác. Điều này cần phải thay đổi, nếu không sẽ rất khó thu hút lao động nước ngoài cho ngành khách sạn” - ông Gentzsch André nói.
Lo ngại “khủng hoảng” nguồn nhân lực du lịch, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chính sách mới như tạo điều kiện cho người lao động vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực này, hy vọng có thể giữ chân được họ. Về lâu dài chính quyền địa phương đang chọn giải pháp đặt hàng từ các trường chuyên đào tạo về du lịch trên địa bàn thành phố.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo ngoại ngữ cũng như Hội nghề nghiệp, hướng dẫn viên để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng: “Chúng tôi sẽ triển khai các đợt tuyển dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, định hướng nghề kịp thời cung ứng cho các cơ sở sở dịch vụ. Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được các doanh nghiệp chú trọng thu hút từ các nguồn lao động trong và ngoài nước để đảm bảo được thương hiệu cũng như chất lượng dịch vụ của bản thân từng doanh nghiệp và điểm đến Đà Nẵng.”
Thực tế cho thấy, nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi cần được giải quyết của ngành du lịch hiện nay. Ông Phan Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho rằng, bài toán nhân lực du lịch không chỉ là của ngành du lịch mà cần có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị hữu quan: “Để giải quyết được vấn đề này, vai trò nhà nước là rất quan trọng, cụ thể có nhiều chương trình, giành nhiều nguồn ngân sách cho các chương trình quảng bá xúc tiến. Các doanh nghiệp du lịch là cũng phải tập trung cho việc hỗ trợ người lao động, tập trung cho việc củng cố chất lượng sản phẩm của mình, để phục vụ du khách.”
Nhiều chuyên gia khẳng định, nguồn nhân lực của du lịch Việt Nam không chỉ thiếu về số lượng, mà kỹ năng nghề nghiệp cũng phần nào yếu do ảnh hưởng đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn phục hồi, làm thế nào để có nguồn nhân lực du lịch đạt chuẩn? Theo Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình, thành phố Hà Nội thì trước mắt có thể tuyển dụng sinh viên của các trường đào tạo về du lịch và bổ sung nguồn lao động tại địa phương đã qua đào tạo nghề: “Về lâu dài, chắc chắn các doanh nghiệp nên có phương án hợp tác với các trường đào tạo về du lịch để có một bài toán đường dài. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ kỹ năng nghề, ngoại ngữ thì các trường sẽ dựa theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.”
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, ngành Du lịch đặt mục tiêu tạo ra khoảng 5,5 - 6 triệu việc làm. Theo đó, cần phải có một số cơ chế, chính sách vượt trội nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự của ngành du lịch sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phê duyệt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030”.
Đề án này xác định 3 nhóm giải pháp lớn, bao gồm: Nhóm giải pháp cấp bách hỗ trợ nhân lực ngành du lịch, phát triển nguồn nhân lực của ngành thích ứng với đại dịch và chuẩn bị cho sự phục hồi; Nhóm giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và Nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn phát triển.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị các địa phương và doanh nghiệp du lịch có kế hoạch đào tạo bổ sung, chú trọng nhân sự là người dân địa phương khi tuyển dụng, đào tạo. Bên cạnh đó, thiết lập mối quan hệ, liên kết nhân lực trong khu vực là rất cần thiết vào lúc này. Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, để đảm bảo phát triển nguồn nhân lực du lịch dài hơi và bền vững, cần xây dựng chiến lược như: đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, thích ứng với bối cảnh chuyển đổi số, nâng cao khả năng cạnh tranh cho ngành du lịch.
“Chúng ta cần phải phát triển nguồn nhân lực để làm sao đáp ứng được đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, thông qua nhiều cơ chế, chính sách để thu hút người lao động quay lại làm việc. Cần đào tạo và đào tạo lại kỹ năng, nghiệp vụ người lao động, đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới” - ông Khánh cho hay.
Du lịch là ngành kinh tế rất đặc biệt vì khả năng phục hồi nhanh chóng sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát so với các ngành kinh tế khác. Hiện nay, việc đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực du lịch trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Giải pháp trước mắt để lấp chỗ trống thiếu hụt nhân lực du lịch là các địa phương và doanh nghiệp du lịch sớm có chính sách thu hút nhân sự đã thôi việc, chuyển việc trở lại với nghề. Về lâu dài, các doanh nghiệp làm du lịch cũng phải tham gia đầu tư vào hoạt động đào tạo nhân lực, kết nối với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về chuyên ngành du lịch. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay, gắn trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch Việt Nam.
Phương Cúc - Lê Hiếu/VOV miền Trung
Sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà...
Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, Đà Nẵng đang tập trung phát triển mảng sản phẩm du lịch cao cấp, trong...
Thời gian gần đây, khái niệm “Kinh tế đêm” dần được các địa phương quan tâm đặc biệt. Nhiều nơi đã tổ chức...
Trước thực trạng thiếu hụt nhân sự ngành du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, với sự tăng...
Ngành du lịch đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 nhưng cũng đồng...
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng đã hồi sinh mạnh mẽ. Đà Nẵng là một trong...
Hiện nay, việc tuyển sinh ngành du lịch của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã...
Sau khi hãng VietJet Air và hãng Korean Air khai thác trở lại đường bay trực tiếp Incheon – Đà Nẵng, khách...
Các sản phẩm du lịch biển đêm mới ra mắt trong vài tháng nay, nhưng thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định nỗ...
Tối 3/7, tại công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ hội “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng và Không...
Đà Nẵng vẫn chưa có trực thăng cấp cứu, trực thăng du lịch cho giới siêu giàu, tàu biển du lịch, du thuyền...
Tối 22/6, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng...