Cùng với việc mở rộng sản xuất nông nghiệp, những làng mạc định cư đầu tiên của Kim Động được dựng lên ven sông Hồng. Làng Thanh Cù là một trong số đó. Trải qua những thăng trầm, làng Thanh Cù ngày nay vẫn lưu giữ được nét đẹp thanh bình, cổ xưa, mang đặc trưng của một làng quê Đồng bằng Bắc Bộ.
Thanh Cù hay còn gọi là làng Gò có nghĩa là gò đất cao, hội tụ được những ưu việt, cũng có thể được hiểu là một cuộc sống thanh cao, một môi trường thanh khiết...
Làng Thanh Cù nhìn từ trên cao. |
Hoài niệm chợ Thanh Cù
Có mặt ở làng Thanh Cù vào một buổi sáng sớm, đúng ngày diễn ra phiên họp chợ, bạn sẽ được sống lại không khí của những buổi chợ xưa. Chợ Gò của làng Thanh Cù từ lâu đã nổi tiếng với câu ca dao:
Hưng Yên có mấy chợ to
Tiếng đồn to nhất, chợ Gò đã lâu
Có sông, có bến, có cầu
Kẻ buôn người bán đâu đâu cũng về.
Những câu ca cho chúng ta biết, làng Thanh Cù xưa kia giao thương, buôn bán sầm uất, tấp nập trên bến dưới thuyền, khác hẳn nhiều ngôi làng truyền thống của xứ nhãn. Qua hàng trăm năm, chợ Gò tuy đã thu về với vị trí của một ngôi chợ làng nhưng nét cổ kính, trầm mặc in dấu trên từng bức tường gạch, từng mái ngói rêu phong khiến bất cứ ai ghé chân đến đều cảm thấy bồi hồi, hoài niệm.
Ngoài những sản vật nổi tiếng trong vùng, chợ Thanh Cù còn làm nức lòng người mê ẩm thực với món cháo cá - người dân trong vùng gọi là cháo bánh - được lưu giữ từ nhiều đời. Bước chậm qua từng mái chợ thâm thấp, không cần hỏi thăm, thực khách có thể nương theo hương vị mà tìm đúng đến hàng cháo cá. Mùi thơm của hành, thì là quyện với cái ngọt bùi của gạo quê, cá đồng khiến ai đã ăn một lần thì không thể nào quên.
Bên góc chợ quê, những món quà sáng như mời gọi thực khách. Trong buổi sáng sớm khi mặt trời còn chưa ló rạng, lũ trẻ đã được ông bà hay bố mẹ dẫn đi ăn. Nhưng đĩa bánh cuốn nóng hổi với miếng chả to, dày, vàng ruộm có lẽ sẽ trở thành những kỷ niệm đáng nhớ với tuổi thơ của chúng.
Những di tích lịch sử - biểu tượng văn hóa tâm linh
Đến làng Thanh Cù, ai cũng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp bình yên, giản dị trong từng cảnh sắc, từng công trình kiến trúc hay trong chính cuộc sống của người dân. Làng Thanh Cù có nhiều cây cổ thụ, những gốc đa, gốc đề hàng trăm năm tuổi tỏa bóng qua thời gian. Người dân Thanh Cù và các làng lân cận còn truyền tai nhau câu ca rằng:
Cơm ăn một bữa mười gà
Không bằng ngồi gốc cây đa làng Gò
Xưa kia, làng Thanh Cù có đến 2 ngôi đình, 2 ngôi đền và 2 chùa. Tuy nhiên, trải qua chiến tranh và sự mai một của thời gian, nơi đây chỉ còn lại 2 ngôi đình, 1 ngôi đền và 1 ngôi chùa. Những công trình còn lại đến ngày nay đều được nhân dân gìn giữ, mang vẻ đẹp hoài cổ và uy nghiêm.
Buổi sáng trên cánh đồng làng Thanh Cù. |
Công trình kiến trúc cổ và còn nguyên vẹn nhất của làng Thanh Cù đến nay là đình Thanh Cù, nằm ở phía Đông Bắc của làng. Đình được xây dựng năm Chính Hòa, 1691, cách nay hơn 3 thế kỷ. Đình Thanh Cù tọa lạc ngay đầu làng, thờ thành hoàng làng là Đức Thánh Uy Đô Đại vương Trần Linh Lang, một danh tướng đời Trần đã có công dẹp giặc Nguyên Mông ở thế kỉ XIII.
Ngôi đình không chỉ là một công trình lịch sử kiến trúc đặc sắc, biểu tượng cho khí phách anh hùng, xả thân vì nước của cha ông thuở trước mà còn là biểu tượng văn hóa đầy tự hào với những truyền thống tốt đẹp của làng Thanh Cù.
Theo thần phả của đình, đức Linh Lang là vị thánh đã 3 lần đầu thai xuống trần giúp nhân dân Đại Việt đánh giặc và xây dựng đất nước. 3 lần đầu thai của ngài ứng với 3 ngôi vị được thờ trong gian hậu cung, tương ứng với 3 cỗ kiệu được rước trong ngày hội làng. Bức đại tự lớn nhất ở chính giữa gian Đại bái của đình đề 4 chữ “Tam linh quyến hựu” (3 vị thánh linh thiêng yêu thương giúp đỡ, phù trợ) được lập dưới thời vua Thành Thái, 1897.
Ghi nhận công lao của ngài, các triều đại sau này đều phong sắc để nhân dân tôn thờ thành hoàng làng, kế thừa truyền thống yêu nước, góp phần gìn giữ nền độc lập dân tộc.
Đình Thanh Cù là biểu tượng văn hóa, là niềm tự hào của người dân trong làng. Không chỉ là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp, điều đáng quý là đình hiện còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật cổ có giá trị. Đó là 3 kiệu bát cống thời Lê được chạm rồng, hoa dây rất đẹp và sơn son thiếp vàng. Trong đình còn treo quả chuông đồng đúc vào năm Tự Đức thứ 4 ghi công đức tu bổ đình. Ngoài ra còn có một bát hương sứ thời Lê và một bộ đỉnh đồng thời Nguyễn được bài trí trong gian hậu cung, cùng 20 đạo sắc phong được các triều vua ban tặng.
Không gian đình Thanh Cù vừa toát lên nét thâm nghiêm, lại đượm vẻ thanh tịnh phảng phất, vừa trầm mặc vừa thanh tao. Trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc ngôi đình hiện tại mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê Trung Hưng thế kỉ XVII và có cả những phần mang màu sắc đương đại với kết cấu đối xứng và tinh xảo.
Mái đình khá dày và có tỉ lệ chiếm khoảng 2/3 tổng chiều cao của ngôi đình, 4 góc là 4 đầu đao xòe rộng, uốn cong đầu rồng, tạo sự nhẹ nhàng mà uy nghi cho ngôi đình. Ở mái đình có họa tiết trang trí lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống gỗ, cột, xà, kè, bẩy, kẻ hiên... trong đình theo kết cấu chồng rường, giá chiêng... Các hàng cột lớn từ gỗ lim nguyên khối được kê trên các bệ đá xanh, có kích thước lớn (cao trên 4,5m, đường kính hơn 0,7m) tạo sự bề thế vững chãi cho ngôi đình.
Điểm độc đáo nữa trong kiến trúc đình Thanh Cù chính là hệ thống phù điêu gắn vào khung gỗ chịu lực phía trên của đình, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của người thợ trong điêu khắc, chạm trổ, vừa tạo sự trang trọng cho ngôi đình, vừa gửi gắm bao ước mơ tốt đẹp về cuộc sống.
Ở gian Đại bái, bên tả là bức chạm “ổ rồng” (rồng mẹ với đàn rồng con) mang ước mơ về cuộc sống sum vầy, bên hữu là bức chạm “quần long” đầy sinh động. Còn ở các phần kiến trúc như đầu kèo, chắn gió... là các chạm khắc trang trí hoa vân (hoa, mây) được cách điệu tinh tế, khiến người xem rất thích thú.
Một góc chợ Gò. |
Ở làng Thanh Cù có khá nhiều di tích gắn với sự nghiệp của Uy Đô Đại vương Trần Linh Lang. Ngoài đình Thanh Cù và một đình phụ khác ở chợ, ngôi đền của làng cũng là nơi tôn nghiêm thờ phụng Đức Thánh cùng mẫu thân của ngài. Cấu trúc đền gồm đền thượng, đền Mẫu và tam tòa tương truyền đền đã có từ lâu đời nhưng lần tôn tạo gần nhất là năm 1998.
Rời đền Thanh Cù, điểm đến tiếp theo của du khách là lăng mộ Uy Đô Đại vương Trần Linh Lang. Theo truyền thuyết, Trần Linh Lang sau khi đánh thắng giặc trở về liền xuất gia tu hành. Qua 10 năm đắc đạo phái Trúc Lâm - Yên Tử rồi đi giáo hóa khắp nơi, ngài viên tịch năm Canh Tý 1300. Triều đình cho mai táng ngài ở chùa Nam Giao, đến đời vua Trần Dụ Tông lại làm lễ chuyển táng cho ngài về an nghỉ tại cánh đồng xứ Đống Mối, làng Thanh Cù. Hiện nay, lăng mộ của ngài đã được nhân dân tu bổ, xây dựng trang nghiêm.
Linh thiêng lễ hội Thanh Cù
Cũng kể từ khi Uy Đô Đại vương Trần Linh Lang về an nghỉ vĩnh hằng tại làng Thanh Cù, nhân dân trong làng đã lấy ngày 10-3 âm lịch - ngày chuyển táng của ngài làm ngày tổ chức lễ hội hằng năm, để hậu duệ bày tỏ tấm lòng tri ân với các bậc tiền bối đã có công dẹp giặc giữ nước. Đình Thanh Cù tạo ấn tượng đẹp với du khách gần xa, là niềm tự hào cho dân làng bởi không khí lễ hội hằng năm thiêng liêng mà gần gũi, trang trọng mà ấm áp, náo nức mà lắng đọng. Lễ hội truyền thống đình Thanh Cù với nghi thức rước từ đình Thanh Cù ra đình chợ, qua đền thờ Đức Thánh sau đó lên lăng mộ ngài rồi lại rước về.
Điều đặc biệt là lễ hội còn có sự tham gia của người dân đến từ các địa phương khác cũng có di tích thờ Uy Đô Đại vương Trần Linh Lang, đó là đình Yên Phụ, đình Nhật Tân ở quận Tây Hồ và đình Yên Phúc ở quận Hà Đông, Hà Nội. Đó đều là các đình có chung vị thành hoàng làng, cùng kết nghĩa với nhau, đến ngày hội lại trở về với các kiệu lễ, ban tế, đội trống, đội múa kỳ lân, sư tử... náo nhiệt, đông vui. Tất cả đã tạo nên một lễ hội làng quê trang trọng, linh thiêng.
Một hàng bánh cuốn trong chợ Gò. |
Dường như, ai đi dự hội cũng cảm nhận rõ tinh thần đoàn kết đồng lòng, một sức mạnh dân tộc kì diệu trước dòng chảy thời gian từ những mối liên kết, từ các miền quê của biết bao thế hệ người Việt kéo dài hàng trăm năm và mãi mãi.
Về với lễ hội làng Gò, du khách không chỉ được nhắc nhớ về trang sử vàng son gắn với chiến công của chàng trai trẻ thông minh, dũng cảm Linh Lang, sẵn sàng đầu quân, xả thân để bảo vệ nền độc lập dân tộc, mà hơn hết, còn là để tìm lại những phút lắng hồn với lịch sử giữa nhịp sống tất bật hôm nay.
Thanh Cù - ngôi làng mang vẻ đẹp bình dị, nên thơ mà thâm trầm, lắng đọng bao biến cố của lịch sử đi qua. Cái tên Thanh Cù sẽ mãi là niềm tự hào, là niềm thương nỗi nhớ của những người con sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống này. Về thăm làng Thanh Cù, để tìm lại những kí ức êm đềm nơi làng quê Việt, để cùng sống lại một thời vẻ vang của cha ông và cùng cảm nhận nét văn hóa mộc mạc mà độc đáo của những người dân nơi vùng đất cổ.
Nguyễn Trung Thành/ Báo Công an nhân dân điện tử