Đến thôn Nghĩa Trai, xã Tân Quang (Văn Lâm - Hưng Yên) dịp này, bạn sẽ gặp những cánh đồng hoa cúc chi nở rộ, vàng rực trải dài ngút ngàn tầm mắt.
Nghề trồng và chế biến hoa cúc ở thôn Nghĩa Trai hình thành và phát triển gắn liền với làng nghề trồng và chế biến thuốc nam, thuốc bắc.
Được biết, xã Tân Quang có sản lượng thu hoạch cúc dược liệu ước đạt 250 tấn/năm, đạt giá trị sản lượng trên 11 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 7 tỷ đồng.
Toàn xã Tân Quang có diện tích trồng cúc dược liệu trên 20 ha, nằm ở các thôn Đại Tài, Ngọc Lịch, Mộc Ty, Nghĩa Trai. Trong đó, thôn Nghĩa Trai có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 10 ha.
Ở Nghĩa Trai, hầu hết các hộ gia đình đều trồng hoa, vào vụ thu hoạch do diện tích trồng khá lớn, người dân Nghĩa Trai thường phải mượn người thu hoạch cho kịp thời vụ. Bình quân một người hái được từ 15 - 30 kg hoa/ngày, giá hái khoảng 12.000 đồng/kg.
Vào chính vụ, trên các cánh đồng thôn Nghĩa Trai tấp nập những người dân thu hoạch hoa cúc chi.
Cô Hạnh (Nghĩa Trai, Hưng Yên) cho biết: Trên diện tích canh tác 3 sào hoa, mỗi năm gia đình thu hoạch được hàng tấn hoa tươi, tương đương khoảng 5 tạ hoa khô, cho thu nhập khoảng 100.000 triệu đồng/vụ.
Mùa thu hoạch cúc chi kéo dài khoảng 30 ngày vào thời điểm sau Tết Dương lịch.
Theo các chủ vườn cúc, giá hoa năm nay khoảng 40.000 đồng/kg hoa tươi.
Hoa cúc chi sau khi hái sẽ được đem phơi khô, chủ yếu dùng làm dược liệu có tác dụng thanh nhiệt, hạ hỏa, giải độc, bổ não... Hiện giá bán hoa sấy sạch tại thôn Nghĩa Trai khoảng 300.000 đồng/kg.
Từ khi chuyển sang cơ chế thị trường, nghề trồng và chế biến hoa cúc dược liệu ở Nghĩa Trai đã phát triển mạnh; ngoài việc trồng chế biến phục vụ người tiêu dùng trong nước, còn xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực.
Thế Dương/dangcongsan.vn