Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 45km, tọa lạc tại làng Phù Ủng, xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Khu di tích đền Phù Ủng là một quần thể kiến trúc phong phú và độc đáo. Đền Phù Ủng thờ người anh hùng dân tộc - tướng quân Phạm Ngũ Lão – vị tướng tài ba của Trần Hưng Đạo.
Phạm Ngũ Lão sinh năm 1225 tại làng Phù Ủng, huyện Ân Thi. Ông là vị tướng văn võ song toàn, được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn hết sức tin cậy. Ông có công lớn trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông của dân tộc ta và bảo vệ biên giới phía Tây – Nam của Tổ quốc. Phạm Ngũ Lão là vị tướng luôn có mặt ở những trận quyết chiến quan trọng và luôn tự mình xông lên giết giặc làm gương cho ba quân tướng sĩ. Cuộc đời ông là cuộc đời gắn liền với chiến trận và những chiến công vang dội. Phạm Ngũ Lão mất tại phủ đệ vua ban ở Thăng Long. Sau khi mất, ông được nhà vua phong là “Thượng đẳng phúc thần”. |
Quần thể di tích đền Phù Ủng có giá trị nghệ thuật kiến trúc điêu khắc khá quý hiếm còn lưu lại trên đất Hưng Yên. Đền Phù Ủng nằm trên khu đất có thế “Thất tinh ứng hậu, hình nhân bái tướng, voi quỳ ngựa phục, bên bút bên nghiên bên cờ bên kiếm, ở giữa có mô hòn ngọc, cạnh dòng sông Cửu Yên như rồng uốn khúc, mà đầu rồng là khu đất dựng đền nhô hẳn ra khỏi làng”.
Đền Phù Ủng là một quần thể di tích có kiến trúc đồ sộ, quy mô rộng lớn khá hoàn chỉnh được chia làm hai khu: Khu ngoài và Khu trong. Khu ngoài gồm Đền chính thờ Điện súy thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão, bên trái là lăng Phạm Tiên Công, bên kia đường là đền Mẫu; Huê Văn Các kết cấu hình bát giác…
Khu trong được bố cục theo kiểu "Tiền Thần Hậu Phật” gồm đền thờ công chúa Tĩnh Tuệ (con gái Phạm Ngũ Lão), chùa Bảo Sơn (Cảm Ân Tự), lăng quốc công Vũ Hồng Lượng được làm bằng đá xanh với kiến trúc nghệ thuật chạm khắc đá nổi tiếng thời Hậu Lê.
Năm 1988, đền Phù Ủng được công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Hằng năm lễ hội được diễn ra từ ngày 10 đến 13 tháng Giêng để tưởng nhớ tướng quân Phạm Ngũ Lão. Hàng năm di tích lịch sử đền Phù Ủng thu hút hàng ngàn lượt khách về thăm viếng và chiêm bái.
Về thăm đền là dịp để du khách tỏ lòng tôn kính đối với vị tướng tài giỏi của dân tộc và cũng để tham quan vẻ đẹp độc đáo của nơi đây.
Lan Hương, theo sovhttdl.hungyen.gov.vn