Nhắc đến những làng nghề truyền thống Việt Nam, không thể không nhắc đến làng làm đó Thủ Sỹ (Tiên Lữ, Hưng Yên) danh tiếng một thời, cái thời mà người nông dân sống hoàn toàn nhờ đồng ruộng và ngư dân thì có thể trông chờ vào sự trù phú của con nước. Thời đó, hầu như nhà nào của vùng quê chiêm trũng nhiều thì có hàng chục, ít thì cũng có dăm ba chiếc đó…
Đó, giờ chắc không phải ai cũng biết, là một loại ngư cụ dùng để bẫy cá, tôm, cua…trên các sông, rạch, đầm phá. Những chiếc đó làm bằng tre hoặc nứa già, có hình bầu dục, đuôi nhọn, miệng nhỏ tròn, có nắp, có thể đựng được tầm 7-8kg tôm, cá. Có 2 loại đó chính: đó trắng và đó hun. Đó trắng đơn giản hơn, một người thợ lành nghề có thể đan trong vòng 15-20 phút là hoàn thành. Đó hun thì bền hơn, được làm kỳ công hơn, phải hun khói 3 lần mới lên màu đẹp, nên giá thường đắt hơn gấp rưỡi so với đó trắng.
Đan một chiếc đó tưởng chừng như đơn giản mà cũng lắm nhọc nhằn, công phu. Đan đó, dễ nhất có lẽ là đan hom (nắp đó) và cầu kỳ nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi đó. Chẳng khó, nhưng chiếc đó đòi hỏi ở người thợ thủ công đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ và sự kiên nhẫn, cần cù, và hơn hết là lòng yêu nghề.
Nghề đan đó được truyền từ đời này sang đời khác
Sẽ không quá khi nói những chiếc đó là đặc trưng riêng có của vùng đất Thủ Sỹ này. Rời ruộng đồng, rời bàn tay cày cuốc là người già, phụ nữ và thanh niên trai tráng lại tất bật phơi nan, vót tre, đan đó, kết chùm…Tất cả góp phần tạo nên một bức tranh làng nghề đặc sắc. Dù chỉ là nghề phụ nhưng đan đó không phụ công người dân Thủ Sỹ. Với khoảng 650.000 chiếc đó có mặt tại thị trường mỗi năm, người dân Thủ Sỹ có thêm đến 50% thu nhập trang trải cuộc sống lúc nông nhàn.
Trải qua bao biến đổi của thời gian và sự biến thiên của cuộc sống, những chiếc đó không chỉ được dùng để bắt cá như ngày xưa, mà giờ còn được sử dụng trong lĩnh vực mỹ thuật và trang trí nội thất. Bởi vậy mà những chiếc đó làng Thủ Sỹ vẫn có “đất dụng võ”. Đến làng Thủ Sỹ vào bất cứ lúc nào, người ta cũng dễ dàng bắt gặp những chiếc xe đạp chở hàng trăm chiếc đó, kết thành từng chùm tựa những bông hoa mang sắc màu của nắng đi khắp các thôn cùng, ngõ hẻm…
Những chùm đó nối đuôi nhau đi khắp nẻo
Những chùm đó nối đuôi nhau đi khắp nẻo, những nghệ nhân cao niên miệt mài tay đan, tay vót để giữ lửa nghề cho thế hệ sau… thực sự như ve vuốt thị giác của bất cứ ai, để họ thả mình mơ về “một chiếc vé đi tuổi thơ”. Đặc biệt vào thời điểm giáp Tết với biết bao lo toan, bộn bề, còn gì tuyệt vời hơn khi đến thăm làng Thủ Sỹ, hòa mình vào không gian làng quê yên bình, tự tay vót nan, đan đó rồi mê mải kiếm tôm, bắt cá ven sông và hoài niệm về những ngày xưa cũ?
Bài: Anh Vũ, Ảnh: Trần Quí Thịnh