Từ nội thành Hà Nội, theo quốc lộ 6 vào Hà Đông, đến Ba La rẽ trái theo quốc lộ 22B khoảng 15km du khách sẽ gặp cổng làng được xây dựng khá lớn bên phải đường, trên cổng có hàng chữ lớn: Làng Chuông.
Theo các cụ cao niên trong làng, lúc đầu làng Chuông gọi là Trang Thời Trung, gốc ở khu vực xóm Chợ, xóm Chùa và Cầu Chuông (thôn Trung Chính hiện nay). Thời Mạc, làng Chuông khá đông đúc, có 02 người đỗ đại khoa. Đến thế kỷ XVII làng Chuông có nhiều người làm võ quan cao cấp, được ghi trên bia đá với gần đủ các tước: Hầu, bá, tử, nam.
Nghề làm nón ở làng Chuông xuất phát từ đâu, trong làng không ai biết, chỉ biết rằng nón đã có từ lâu lắm rồi và nón lúc đầu làm chỉ để dùng trong làng, sau ngày càng nổi tiếng, nón được bán khắp nơi và là sản phẩm cúng tiến cho các hoàng hậu, công chúa trong cung.
Các loại nón cổ hiện không còn, cũng không ai nhớ chính xác hình dáng để phân loại, tuy nhiên qua nghiên cứu của các chuyên gia, có thể chia thành các loại như:
- Nón ba vòng đấu (có kích thước to, không khâu kỹ, sử dụng khi người nông dân đi làm đồng).
- Nón thúng quai thao (có vành rộng, ngửa lên có hình như cái thúng, có buộc thao dệt bằng tơ, thường gắn liền với áo tứ thân mớ ba mớ bảy của các bà, các cô).
- Nón mười (có hình như chiếc nia, các cụ già thường đội đi chùa).
- Nón chóp dứa (làm bằng lá dứa, mỏng, nhẹ, trắng muốt, khâu bằng dây rất khéo như dệt vải, phía trên có chóp, thường do các chức sắc sử dụng).
- Nón lính hay nón dấu (thường dùng cho lính trong chiến trận, làm bằng cật tre, trên đỉnh có chóp bằng đồng, có quai buộc chặt vào cằm).
- Nón lá già ghép sống (làm bằng lá hồ, khâu bằng móc đen rất chắc và bền, dùng cho người nông dân đi làm ruộng).
Đầu những năm 20 của thế kỷ XX, những chiếc nón Huế nhỏ gọn, đẹp mắt phù hợp với các cô gái Hà Nội đánh bại nón lá làng Chuông. Tổng đốc Hà Đông lúc đó đã đưa nghề dệt về làng và cải tiến nghề làm nón bằng cách cho một số thanh niên đi vào Ba Đồn (Quảng Bình) học cách làm nón mới. Nhiều người cho biết, nghề nón phát triển mạnh mẽ nhờ vào ông Hai Cát - một nghệ nhân giờ đã hơn 80 tuổi, là người có công mang nón Xuân Kiều còn gọi là nón Ba Đồn về làng sản xuất thay thế cho các loại nón cổ. Năm 1930, ở hội chợ Trường Đấu Xảo - Hà Đông, nón của ông Hai Cát đã được đánh giá rất cao và chính quyền sở tại đã cấp giấy hành nghề, hiệp hội Hàng nón chứng nhận chất lượng cao hơn nón Huế và ông được cấp giấy phép dạy nghề làm nón xuyên suốt từ Hà Đông, Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng. Tên gọi Xuân Kiều gợi hình ảnh cô gái đội nón vào đẹp như mùa xuân tỏa nắng, cũng gọi là Thanh bởi dáng nón thanh thoát, nhẹ nhàng.
Nguyên liệu làm nón gồm có: Lá với 2 loại chính là lá lụi và lá cọ; Mo nang với 2 loại mo tre và mo nứa (đặt giữa hai lớp lá, có tác dụng làm cho nón chắc, kín và bền hơn); Móc, dứa và cước (dùng để khâu nón); Liếc (làm từ cây liếc hay còn gọi cây lồng bông, được tách riêng vỏ và guột, có tác dụng làm cho cạp nón cứng hơn); Sợi luồn nhôi (sợi khâu hình đuôi cá hay hình nơ để buộc quai nón); Vòng nón (16 vòng được làm từ tre hoặc nứa, kích thước nhỏ dần từ vành lên đỉnh nón); Giấy vẽ trang trí trên nón…
Dụng cụ làm nón gồm có: Khuôn nón (tạo ra dáng nón thanh thoát - nón tốt nhờ khuôn); Dao (để cắt vòng, gọt mo, lá); Kéo (cắt lá, cắt chỉ); Kim khâu (có nhiều kích thước, hình dáng, nhiều chức năng); Bàn là lá (làm phẳng lá); Lò hun lá, nón (cho lá và nón có màu trắng đẹp, chống mối mọt); Lò sấy lá (sấy khô lá trong mùa mưa).
Để chuẩn bị cho việc làm nón thì công đoạn sơ chế lá rất quan trọng. Lá mới được mua về phải qua nhiều công đoạn mới có được màu trắng, gồm: Phơi lá (phơi nắng lần 1, ngâm nước 3 giờ, phơi nắng lần 2 rồi cho lá phơi sương buổi đêm cho mềm); Vò lá (vò lá tươi qua cát để hút bớt nước cho lá khô khỏi thối và có màu trắng); Hun lá (lá phơi xong được đem hun trong lò hun, sau đó thả ra ngoài không khí cho hả hơi rồi phơi sương cho mềm, mịn, dễ lợp).
Muốn làm nón Xuân Kiều đẹp người thợ làm nón phải trực tiếp chọn từng xâu lá, đoạn vòng, sợi cước thật vừa ý. Mỗi loại vật liệu lại có những tiêu chuẩn khác nhau. Các vật liệu trên khi đưa vào làm nón phải qua một số khâu nữa như: Rẽ lá (từ trên ngọn xuống cuống cho lá thẳng); Là lá (cho lá phẳng và trắng hơn); Bứt vòng (nối hai đầu sợi vòng nón lại với nhau theo kích cỡ đã định); Quay nón (lợp nón, chằm nón); Thắt nón (khâu nón); Nức nón (che phần chân lá ở cạp nón); Luồn nhôi (tạo điểm để buộc quai nón)…
Nón làng Chuông có 16 vòng, vòng ngoài cùng to nhất, rộng nhất, các vòng sau nhỏ dần theo hình khuôn nón. Chiếc nón thành phẩm phải chứa cả ba lớp lá: Lớp lá lót, mo nứa, sau đến lớp lá ngoài, khi cầm lên vẫn phải thấy mỏng mà nhẹ thì mới là nón đẹp.
Nghề làm nón được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, chủ yếu là những người phụ nữ bằng sự khéo léo của đôi bàn tay đã tạo ra những chiếc nón xinh xắn, bền đẹp. Cả làng Chuông có gần 4.000 hộ thì từng ấy hộ làm nón. Sự phong phú và đa dạng về mẫu mã chủng loại, cùng với chất lượng đã có uy tín từ lâu khiến nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao.
Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngôi làng nhỏ bé luôn tấp nập khách ra vào. Khách đến làng không chỉ để đặt hàng mà còn muốn tham quan, tận mắt chứng kiến công việc làm nón. Trong khuôn viên của từng gia đình, những cụ già, em nhỏ cặm cụi ngồi trong nhà hay dưới bóng mát của tán cây khâu từng chiếc nón. Trên các sân hay ven đường đê, các bãi cỏ giáp cánh đồng phơi trắng lá nón. Bên trong chợ Chuông những chồng nón các loại xếp cao ngất cùng với các vật liệu làm nón như: lá nón, vòng nón, cước khâu, sợi tế bày la liệt. Nhịp sống của làng nghề làm nón Chuông không ồn ào, gấp gáp, sôi động như các làng dệt, làng chế biến thực phẩm, làng mộc điêu khắc… mà ngược lại rất âm thầm, lặng lẽ, bền bỉ nhưng lại tỏa ra sức hấp dẫn riêng của một làng nghề nổi tiếng từ lâu.
Ngày nay, cùng với xu thế cách tân nữ phục truyền thống, chiếc nón cũng được đa dạng hóa thêm, thị trường nón cũng được mở ra một hướng khác. Du khách tới Việt Nam thường rất thích thú và yêu mến chiếc nón. Chính vì vậy, người làng Chuông làm những chiếc nón đủ kích cỡ, phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của khắp mọi miền. Các sản phẩm chính thường gặp là: Nón con (chính là chóp nón, được lợp hai lần lá, đường kính 15-30cm, chủ yếu phục vụ du lịch); Nón nhỡ (giống như nón nhỏ, đường kính 30-45cm, cho các em học sinh đội); Nón Hồng Kông (có chóp nhọn và ngắn, vành nón rộng, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc); Nón Lâm Xung (làm bằng lá hồ, hình dáng hơi giống chiếc mũ, chóp nón không nhọn, xuất hiện từ khi có phim Thủy Hử); Nón Thái (hình dáng giống chiếc nón của người Thái ở Tây Bắc, làm bằng lá hồ, chủ yếu xuất khẩu sang Nhật và Hàn Quốc); Nón Bo (làm bằng lá hồ, hình chóp, làm theo đơn đặt hàng của Nhật); Nón bộ ba, bộ năm (chùm nón gồm 3 hoặc 5 cái với nhiều kích cỡ, treo trên 1 sợi dây, để trang trí hoặc làm quà lưu niệm); Nón bẹp chóp (được làm như nón chóp, không có lớp mo, phần chóp nón được bẻ gập xuống); Nón mõm bò; Nón chao đèn ngủ…
Ngoài việc duy trì nón Xuân Kiều, người làng Chuông còn phục hồi được kỹ thuật làm nón quai thao với tấm lòng nhiệt huyết của các nghệ nhân cao tuổi, muốn cho nghề của ông cha được gìn giữ, phát triển thì mới yên tâm “nhắm mắt xuôi tay”. Ngoài nghệ nhân Phạm Trần Canh, sinh năm 1931, được trao bằng nghệ nhân từ năm 2006, chuyên sản xuất nón quai thao phải kể đến bà Phan Thị Nhật, sinh năm 1930 là người con gái làng Chuông lấy chồng Hà Nội (trước đây). Năm 2000, vì đau đáu với chiếc nón quai thao cổ truyền của cha ông ngày càng bị mai một, bà đã góp vốn cùng các đoàn thể nhiệt tình mời các nghệ nhân tổ chức truyền dạy kỹ thuật làm nón. Nhờ đó hơn 30 chị em trong làng đã tạo ra được những chiếc nón quai thao bán sang cho các liền chị quan họ Bắc Ninh, góp phần giữ được nghề truyền thống.
Theo Sở Du lịch Hà Nội