Chử Xá là một ngôi làng cổ có lịch sử lâu đời, gắn với truyền thuyết Chử Đồng Tử - một trong "Tứ bất tử của Việt Nam". Làng nằm trên một bãi bồi lớn ven sông Hồng - nổi tiếng là vùng trồng rau, củ, quả, chuyên cung cấp cho Thủ đô và các tỉnh lân cận.
Trong những tháng gần đây, ngôi làng đang dần được phủ kín bởi những bức bích họa tuyệt đẹp vẽ trên tường nhà với chủ đề phong cảnh làng quê và cuộc sống nông nghiệp.
Cách đây hơn 3 tháng, tổ chức Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng (Arts Build Communities - ABC) đã khởi xướng ý tưởng biến nơi đây thành ngôi làng bích họa đầu tiên của Hà Nội.
Các bức vẽ đều được ABC phối hợp cùng các đơn vị tài trợ và Đoàn thanh niên xã Văn Đức tổ chức. Theo đại diện các họa sĩ, mỗi bức vẽ cần khoảng 3 – 5 ngày để hoàn thành, tùy vào tình hình thời tiết.
Toàn bộ 15 bức đều lấy cảm hứng về một làng quê yên bình, đồng thời tái hiện những hình ảnh quen thuộc từ chính đời sống, buôn bán của người dân Chử Xá. Từ gánh hàng rau đến vật dụng thường ngày như cuốc, xẻng, chum nước, máy cày… cũng được đưa lên tranh.
Một nhà kho nơi các công nhân cất đồ dùng lao động, nay đã trở thành bức vẽ những đứa trẻ đang thả diều trên cánh đồng bát ngát.
Quang cảnh đánh bắt cá, tát nước ở đồng ruộng quen thuộc hằng ngày.
Hay câu chuyện về chú thỏ "ăn trộm" cà rốt của nông dân được nhân cách hóa rất ngộ nghĩnh.
Anh Đạt, một người dân Chử Xá, cho biết: "Từ ngày có những bức vẽ, ngôi làng trở nên sinh động, đẹp hẳn lên. Người lớn phấn chấn làm ăn, trẻ con cũng vui vẻ, thích thú với họa tiết trong hình, từ đó nhắc nhở mọi người về tình yêu với thiên nhiên, môi trường".
Cũng theo anh Đạt, Chử Xá gần đây đông vui, tấp nập hơn khi nhiều người dân, du khách tới tham quan, tìm hiểu và chụp ảnh.
Chị Phương Nhung, du khách từ Hà Nội, bày tỏ sự thích thú khi tới đây: "Lâu lắm rồi tôi mới được thấy những bức vẽ đẹp như thế. Nhiều màu sắc và rất dân dã. Tới đây, tôi thấy tâm hồn mình nhẹ nhõm và trong trẻo hơn".
Theo thông tin tìm hiểu, dự án "bích họa hóa" Chử Xá sẽ tiếp tục được triển khai cùng với các hoạt động cộng đồng như kè bờ sông, lát đường làng để sớm biến nơi đây trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Thủ đô.
Bài và ảnh: Huy Tùng/ nld.com.vn