Ngôi nhà cổ của ông Hà Hữu Thể là cơ sở làm tương nổi tiếng tại làng cổ Đường Lâm
Đổi khác từ Đường Lâm
Đến Sơn Tây, du khách khó có thể bỏ qua làng cổ Đường Lâm - ngôi làng còn bảo tồn được tương đối đầy đủ nét văn hoá của vùng văn minh châu thổ sông Hồng. Làng cổ Đường Lâm hội tụ đầy đủ các yếu tố hấp dẫn để níu chân du khách khi tại đây có 21 di tích lịch sử, văn hoá gắn liền với các danh nhân, anh hùng dân tộc. Trong làng, còn rất nhiều ngôi nhà cổ được làm bằng đá ong độc đáo có tuổi đời hơn 100 năm. Nhiều gia đình còn giữ được nghề làm bánh, kẹo truyền thống. Các cơ sở lưu trú homestay tại Đường Lâm nhiều năm nay phát triển ổn định, có khả năng đáp ứng dịch vụ qua đêm cho hơn 100 người.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến du lịch Đường Lâm, khi lượng khách trọng điểm là người nước ngoài không còn. Tuy nhiên, điểm du lịch nổi tiếng này đã sớm thích nghi, chuyển hướng sang thu hút khách nội địa.
Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Vững trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách
Ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Vững từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Đường Lâm. Homestay "Vững Tâm" của hai vợ chồng ông Vững trước kia tấp nập khách quốc tế, nay chủ yếu đón khách nội địa. Dù vậy, ông Vững vẫn rất chăm chút cho ngôi nhà, đặc biệt là các phòng lưu trú cho khách luôn được giữ sạch sẽ. Vì yêu truyền thống, ông Vững giữ gần như nguyên trạng ngôi nhà cổ của gia đình, chỉ gia cố lại những chỗ xuống cấp. Không gian ngôi nhà cũng được sắp đặt đúng kiểu văn hoá làng quê Bắc Bộ với sập gụ, tủ chè, các chum tương đặt ngoài sân, giàn ngô phơi trước hiên nhà...
"Đến đây, khách không chỉ được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Đường Lâm, mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm do chúng tôi tự tổ chức, như làm tương, làm con giống bằng tre, nứa...", ông Vững nói.
Giống như ông Vững, nhiều hộ dân trong làng cổ Đường Lâm đang dần nhận thấy những lợi ích từ hoạt động du lịch nên dần chú trọng hơn trong phát triển du lịch cộng đồng. Không ít hộ gia đình đã ý thức hơn việc giữ gìn ngôi nhà cổ để thu hút du khách. Nhà có diện tích rộng thì phục vụ ăn uống, lưu trú như gia đình anh Nguyễn Tiến Quyết; có nhà chuyên ẩm thực; cũng có nhiều nhà làm nghề truyền thống thì tập trung phát triển các hoạt động du lịch trải nghiệm như cơ sở Hiền Bao chuyên làm kẹo lạc hay gia đình ông Hà Hữu Thể chuyên làm tương...
Cơ sở homestay tại làng cổ Đường Lâm khá tiện nghi
Phó ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, từ tháng 9-2020, Ban Quản lý làng cổ Đường Lâm cùng các chuyên gia đã họp các gia đình để bàn việc tổ chức lại cách làm du lịch cộng đồng tại làng cổ Đường Lâm.
"Trước kia, nhiều nhà cùng làm kẹo lạc, kẹo dồi, bánh chè lam, bánh tẻ..., nhưng bây giờ, mỗi nhà tập trung một sản phẩm đặc trưng để cùng tạo nên một cộng đồng làm du lịch chuyên nghiệp hơn. Từ đó, du khách sẽ có nhiều điểm đến trải nghiệm hấp dẫn", ông Nguyễn Trọng An nói.
Nhiều sản phẩm mới
Thị xã Sơn Tây được đánh giá là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhất của Hà Nội. Tại đây có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, như du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch golf...
Gần đây, thị xã Sơn Tây tiếp tục hình thành thêm nhiều điểm đến mới với hy vọng sẽ đáp ứng được thị hiếu của du khách nội địa, như: Chùa Khai Nguyên (xã Sơn Đông), biệt thự Phan Thị nằm ven hồ Đồng Mô - phim trường của bộ phim "Người phán xử", khu nghỉ dưỡng Làng Mít... Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sơn Tây Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, bên cạnh những điểm du lịch đã nổi tiếng, Sơn Tây còn hình thành thêm nhiều điểm "check-in" đẹp, phù hợp với thị hiếu của du khách nội địa.
Du khách được trải nghiệm làm kẹo lạc tại cơ sở Hiền Bao
Sở Du lịch Hà Nội cũng vừa tổ chức đoàn khảo sát du lịch tại thị xã Sơn Tây với sự tham gia của gần 40 đơn vị lữ hành nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch mới để đưa khách đoàn đến nhiều hơn, tạo sự chuyển biến mạnh hơn trong đợt kích cầu du lịch Hà Nội.
Đánh giá về tiềm năng thu hút khách nội địa của Sơn Tây, Giám đốc Công ty Du lịch VietSense Nguyễn Văn Tài cho rằng, du lịch Sơn Tây đã là điểm đến rất được yêu thích của khách quốc tế, nhưng để thu hút khách nội địa, địa phương cần tập trung hơn nữa vào đối tượng khách tiềm năng là học sinh, sinh viên; tăng cường quảng bá du lịch bằng nhiều hình thức, đặc biệt là qua kênh trực tuyến; có chính sách phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành chuyên thị trường nội địa.
Trong khi đó, theo Giám đốc Công ty Du lịch Avitour Nguyễn Trung Quân, du lịch cộng đồng tại Sơn Tây đã phát triển chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là các dịch vụ trong làng cổ Đường Lâm. Đây chính là thị trường tiềm năng của các công ty lữ hành trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đơn vị cần có sự phối hợp với nhau chặt chẽ hơn để hình thành sản phẩm ổn định cả về giá cả, dịch vụ và chất lượng. Sơn Tây đang có sự chuyển mình rõ nét trong hoạt động du lịch với nhiều sản phẩm du lịch mới hình thành. Đó chính là lợi thế để địa phương tạo được sự bứt phá trong thời gian tới./.
Theo Hà Nội mới