“Phố sách” xưa
Phố Đinh Lễ kéo dài từ phố Ngô Quyền đến phố Đinh Tiên Hoàng. Theo Từ điển đường phố Hà Nội (NXB Hà Nội - 2010), phố nguyên là một con ngòi chảy bên cạnh tòa lầu Ngũ Long đời Lê - Trịnh. Tới năm 1846, Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội - Ninh Bình) Nguyễn Đăng Giai mới quyên tiền dân xây một ngôi chùa tráng lệ trên nền lầu Ngũ Long cũ, gọi là chùa Báo Ân. Đầu thế kỷ XIX nơi này thuộc địa phận thôn Hậu Lâu (tức là thôn phía sau lầu Ngũ Long), tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương. Phố Đinh Lễ được người Pháp xây dựng xong năm 1893, trên cơ sở lấp đầm ngăn cách đại lộ Henri Rivière (phố Ngô Quyền) với Hồ Gươm. Ban đầu phố có tên là Anh-tăng-đăng (rue Intendance), đến năm 1919 được đổi tên thành phố Phu-rét (rue Fourès). Năm 1945 phố được đổi tên thành phố Tô Hiến Thành. Năm 1949 phố đổi tên thành phố Đinh Lễ cho đến ngày nay.
Phố sách Nguyễn Xí - Đinh Lễ. Ảnh: Lê Tuấn Đạt
Vào thập niên 90, người Hà Nội chủ yếu biết tới phố Đinh Lễ với cái tên lóng “phố Đô Đê” với ngụ ý đây là “chợ” mua bán đô la Mỹ và đồng D Mark (viết tắt của Deutsch Mark - đơn vị tiền tệ của Cộng hòa Liên bang Đức) - hai loại ngoại tệ có giá trị và phổ biến tại Hà Nội lúc bấy giờ. Cũng trong thời bao cấp, hai cửa hàng sách quốc doanh lớn nhất của Hà Nội là Hiệu sách Quốc văn và Hiệu sách Ngoại văn được đặt tại phố Tràng Tiền, nhờ đó đã biến khu vực phố Đinh Lễ, phố Nguyễn Xí và phố Tràng Tiền thành một tam giác bán sách sầm uất nhất của Hà Nội.
Cái tên “phố sách” bắt nguồn bằng một quầy sách nhỏ của bà Phạm Thị Mão - chủ cửa hiệu sách Mão ở số 5 Đinh Lễ hiện giờ. Mới đầu bà Mão bán ở vỉa hè phố Đinh Lễ. Sau này hàng loạt sạp, quầy sách “lưu động” nối tiếp nhà sách Mão mọc lên tại góc đường Đinh Lễ - Nguyễn Xí. Rồi, tới năm 2003, khi Hà Nội quyết định dẹp phố sách đêm vỉa hè để đảm bảo giao thông, các chủ hàng chuyển sang thuê dãy nhà nằm dọc phố Đinh Lễ hiện giờ (đa phần là các gian hàng thiết bị y tế cũ). Bây giờ, “phố sách” đã có thêm nhiều cái tên khác nhau như nhà sách Lâm, nhà sách Huy Hoàng, nhà sách Ngân Nga, nhà sách Hoa, nhà sách Tân Việt...
Những người yêu sách Hà Nội thường truyền tai nhau rằng, đến với phố sách Đinh Lễ chắc chắn sẽ tìm thấy thứ mình cần. Nói như vậy để thấy sự phong phú về đầu sách nơi đây với những giá sách lớn, cao ngất và đầy ắp luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mọi đối tượng người đọc, từ những cô cậu học sinh đến các cụ cao niên, cánh nhân viên văn phòng hay giới trí thức, học giả... Về giá cả, những quyển sách mới tại đây đa phần được giảm 10 - 20% giá bìa, những quyển sách cũ đã qua sử dụng có thể giảm nhiều hơn, khoảng 40 - 50%. Cũng chính vì mức chiết khấu hấp dẫn cùng với sự phong phú về đầu sách mà phố Đinh Lễ vẫn luôn tấp nập, nhộn nhịp kẻ bán người mua và chẳng khi nào vắng khách.
Và một căn gác “đặc biệt”
Nhắc đến “phố sách”, quả thật không thể không nhắc đến hiệu sách của bà Mão nằm trong con ngõ hẹp và sâu hút số 5 phố Đinh Lễ. Không có biển hiệu hoành tráng, chỉ vỏn vẹn dòng chữ “Nhà sách Mão” và mũi tên chỉ lên tầng hai, nhưng với dân mọt sách Hà thành thì đây đúng là “thiên đường sách”. Thậm chí, khi những nhà sách lớn, thậm chí khi “siêu thị sách” mọc lên ở khắp các con phố, kể cả hàng chục hiệu sách được mở ra ngay dưới mặt đường của phố Đinh Lễ, thì “Nhà sách Mão” trên gác 2 cũ kỹ ấy vẫn hút khách một cách lạ thường.
Những nhà sách nơi đây đã tồn tại hàng chục năm qua để nuôi dưỡng niềm đam mê với sách của bao thế hệ người đọc
Cách biệt hẳn với không gian ồn ào bên ngoài bằng một cầu thang gỗ, bước lên gác 2, những người yêu sách của Hà Nội sẽ bắt gặp căn phòng cũ kỹ, phai màu theo thời gian chứa những kệ sách khổng lồ chiếm hết lối đi. Tại đây, bạn có thể tìm mua bất cứ loại sách nào mình muốn, từ Phật pháp, triết học, tâm linh, phong thủy, văn học đông - tây cho đến tản văn hay thậm chí cả truyện tranh cho trẻ em... Bằng sự mến khách và không xô bồ, cái nhà sách cũ kỹ ấy cứ thế tồn tại hàng chục năm qua và chứng kiến sự trưởng thành, sự tiếp nối niềm đam mê với sách của bao thế hệ người đọc.
Bà Mão giờ đã đi xa, ông Luy chồng bà đảm đương gánh vác hiệu sách được vài năm nay cũng yếu dần. Gần đây khách hàng tìm đến hiệu sách thi thoảng mới gặp ông, bởi ông cáo bệnh, cáo mệt giao cửa hàng lại cho người con gái trông coi. Mất người bạn tâm giao, ông buồn, đóng cửa trong nhà làm thơ... cho khuây khỏa nỗi nhớ bà. Hai căn gác xép chứa đầy sách giờ có thêm những dòng thơ của ông, những dòng của khách hàng đến đây và cảm mến tình cảm của ông bà và cả câu nói của nhà bác học Lê Quý Đôn mà khi còn sống bà rất thích, giờ được ông đóng khung trang trọng trên một cánh cửa: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng/ Chẳng bằng kinh sử một vài pho”...
Trên căn gác hai của tập thể số 5 Đinh Lễ giờ có thêm 2 hiệu sách nữa là Nguyệt Linh và Chuyện. Nghe kể lại, bà chủ hiệu sách Nguyệt Linh khi mới “khởi nghiệp” cũng là nhờ bà Mão cho vay cả vốn lẫn sách. Công việc buôn sách bên trong khu tập thể nhỏ này không ngờ đã đem lại những kết quả vượt xa sức mong đợi. Cửa hàng Nguyệt Linh giờ cũng rất đông khách vào ra. Cách cửa hàng sách Nguyệt Linh vài căn nhà là Không gian cộng đồng “Chuyện” - một hình thức kết hợp giữa việc đọc sách với các hoạt động cộng đồng nghiên cứu, trao đổi tri thức theo một cách hoàn toàn “trẻ”. Đó là các hoạt động: Tọa đàm, đọc sách cùng nhau, chiếu phim gia đình, workshop, tour trải nghiệm văn hóa... với hy vọng có thể góp phần truyền cảm hứng đọc, hình thành và lan tỏa thói quen đọc sách của người trẻ.
Phố Đinh Lễ tuy ngắn nhưng rộng rãi. Vì thế từ khi phố trở thành một trong nhiều điểm nhấn thú vị của không gian đi bộ xung quanh khu vực Bờ Hồ, phố Đinh Lễ giờ có cả những quán cà phê theo phong cách vintage (hoài cổ), quán giải khát di động, hàng ăn vặt, hàng cho thuê ô tô trẻ em... vào những ngày cuối tuần. Đến đây, bạn vừa có thể chọn mua sách, vừa nhâm nhi một ly cà phê hoặc những món ăn đường phố giản dị, đặc trưng của Hà Nội. Và, đan xen giữa nhịp điệu rộn rã của cuộc sống hiện đại, những người yêu sách vẫn có thể tìm được văn hóa đọc của người Hà Nội khi ghé bất cứ tiệm sách nào trên con phố này, đặc biệt là nét hoài cổ, sâu lắng khi nghe giai điệu du dương quyện cùng mùi thơm đặc trưng của... sách trên gác 2, tập thể số 5 Đinh Lễ. Để thấy rằng, văn hóa đọc của người Hà Nội không vì những công nghệ hiện đại mà phai nhạt đi.
“Phố sách” Hà Nội vẫn tồn tại và được giới trẻ thường xuyên ghé thăm là bằng chứng cho văn hóa đọc đáng quý của người Hà Nội luôn được lưu giữ, như một mạch ngầm tuôn chảy mạnh mẽ ở đất ngàn năm văn hiến.
Khánh Linh/ hanoimoi.com.vn