Tham quan ngôi làng, có thể nhận thấy bà con trong làng ai cũng rất tự hào bởi nghề làm chiếu ở Định Yên được hình thành cách đây hàng trăm năm. Gọi là làng chiếu Định Yên nhưng hiện có tới gần 80% hộ dân ở hai làng Định Yên và Định An theo nghề truyền thống này. Vào những ngày trời nắng, từ đầu làng đến cuối làng, khắp nơi đều rực rỡ bởi sắc xanh, đỏ, tím, vàng trải dài của những bó lác được người dân phơi bên các cung đường dẫn vào làng.
Nghề dệt chiếu ở Định Yên được lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”. Chiếu được dệt bằng những sợi lác được chế biến xử lý qua nhiều công đoạn. Ở làng chiếu Định Yên, du khách sẽ thấy những sợi lác màu sắc sặc sỡ mềm mại phơi dưới đất và cả treo khắp đường đi. Tiếng khung dệt kêu lạch cạch, lách cách trong mỗi căn nhà từ đầu thôn đến cuối xóm vui tai, ấm áp... Năm 2013, nghề dệt chiếu thủ công truyền thống ở Định Yên và Định An đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Những bó lác được nhuộm màu phơi dọc đường vào làng
Chiếu ở Định Yên ngày xưa được dệt thủ công bằng tay, nhưng ngày nay hầu hết đã được dệt bằng máy, nhanh và đa dạng hơn về hoa văn, màu sắc. Hiện, chiếu Định Yên bán không chỉ rất chạy ở trong nước mà còn là mặt hàng xuất khẩu khá đắt sang thị trường Campuchia, Đông Âu.
Những năm gần đây, làng chiếu Định Yên với nghề làm chiếu độc đáo và lâu năm đã trở thành điểm du lịch văn hóa khá nổi tiếng thu hút đông đảo du khách các nơi. Chính vì vậy mà bà con làng chiếu càng có thêm động lực rất lớn để phát huy nghề truyền thống này của cha ông.
Bên cạnh nét đẹp đa màu sắc ở làng chiếu Định Yên hiện còn có khu Chợ Lác mà bà con địa phương thường gọi là Bến Lác, nằm trải dài bên con kênh nhỏ phía trước Chợ Định Yên. Bến Lác là nơi neo đậu của vài chục chiếc ghe chuyên chở lác ở vùng Vĩnh Long về bán cho bà con làng chiếu Định Yên. Bến Lác Định Yên tấp nập người buôn kẻ bán ngược xuôi từ lúc sớm đến chiều muộn. Mỗi chiếc ghe chở khoảng chục tấn lác đã được phơi khô đóng thành từng cuộn và thường neo đậu ở bến này trong vòng 4, 5 ngày chỉ để phục vụ nhu cầu nguyên liệu lác cho bà con làng chiếu.
Bà con trong vùng kể rằng, ngày xưa ở Định Yên có một cánh đồng rất lớn đầy cỏ lác để người dân khai thác dệt chiếu. Tuy nhiên, do sự biến thiên của đất trời, cánh đồng lác biến mất, bà con làng chiếu một thời gian phải bôn ba đi nhiều nơi tìm mua lác. Nhiều cư dân vùng Vĩnh Long, Cần Thơ thấy nhu cầu này nên đã thu gom lác và dùng ghe chở lác đến tận làng chiếu bán. Bến Lác xuất hiện ngay cạnh làng chiếu đã tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho người dân làng nghề. Bà con bây giờ vào bất cứ giờ nào trong ngày nếu hết lác là có thể ra bến lác chọn mua lác rồi thuê xe chở về tận nhà.
Sự hình thành khu Bến Lác với vài chục chiếc ghe tấp nập mỗi ngày cũng tạo thêm một nét đẹp, nét văn hóa buôn bán vô cùng thú vị ở vùng sông nước này. Và, cũng vì thế mà tạo ra những giá trị tăng thêm để phát triển du lịch tại vùng quê sông nước. Làng chiếu Định Yên vì thế ngày càng trở thành một địa điểm du lịch văn hóa làng nghề truyền thống thú vị, hấp dẫn cả khách trong và ngoài nước.
Theo Báo Lâm Đồng
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |