Cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Tùng Thiện
Cụ Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, tại Làng Sen, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Năm 1894, cụ dự thi hương năm Giáp Ngọ và đỗ cử nhân. Năm Thành Thái thứ 13 (1901) cụ đỗ Phó bảng kỳ thi Hội khoa Tân Sửu và được vua Thành Thái ban tặng biển “Ân tứ ninh gia” (Ơn ban cho gia đình tốt) và cấp phương tiện đưa về tỉnh lỵ An Tĩnh. Tháng 6/1906, sau thời gian từ chối ra làm quan, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc buộc phải cùng hai con trai lên đường vào kinh nhậm chức Thừa biện bộ lễ.
Năm 1917, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được ông Lê quang Hiển, một điền chủ yêu nước ở Cao Lãnh đã từng tài trợ nhiều cho phong trào Đông du được cấp bằng Đề Đốc mời cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc về Cao Lãnh. Từ đây cơ duyên cụ Phó bảng gắn bó sâu nặng với con người mảnh đất Hòa An, Cao Lãnh. Cụ Phó bảng cùng với cụ Lê Chánh Đáng thường xuyên trao đổi bàn bạc cùng nhóm thanh niên Phạm Hữu Lầu, Lưu Kim Phong góp phần cùng nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đưa nhân dân Cao Lãnh bước vào một thời kỳ mới, thời kỳ chuyển tiếp giữa chủ nghĩa yêu nước với việc hình thành một bộ phận tiền thân của chính đảng cách mạng ở địa phương.
Những ngày cuối đời của cụ Phó bảng
Về Cao Lãnh viếng Khu di tích thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tùng Thiện
Lúc cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bệnh nặng, đông đảo bà con và các anh thanh niên trong tổ Nông Hội Đỏ đặc biệt là cụ Đáng và cụ Năm Giáo ngày đêm túc trực chăm sóc. Ban ngày bà con tới lui thăm viếng không dứt.…. Rồi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc lịm dần và mất vào đêm 26 rạng ngày 27/10 năm Kỷ Tỵ, hưởng thọ 67 tuổi.
Lúc đầu, ngôi mộ cụ chỉ là một nấm đất bình thường, sau đó được bà con xây lên nấm mộ bằng xi măng. Sau giải phóng, đất nước hòa bình, phát triển, Đồng Tháp đã tiến hành xây dựng lại ngôi mộ và được tôn cao hơn nhưng vẫn nằm đúng vị trí mà bà con đã an táng Cụ. Ngôi mộ được ốp đá hoa cương từ Móng Cái, Quảng Ninh mang vào. Phía trên ngôi mộ có xây mái che gọi là vòm mộ. Mái che hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, đầu mái đắp nổi hình tượng chín đầu rồng, tượng trưng cho nhân dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước.
Phía trước mộ là đỉnh trầm có tạc hình hoa sen búp được làm bằng đá cẩm thạch do tỉnh Nghệ Tĩnh tặng. Tiếp đến là Hồ Sen được xây dựng theo mô hình ngôi sao năm cánh tượng trưng cho hình ảnh tổ quốc Việt Nam. Ở giữa là đài sen trắng vươn cao lên tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch giản dị của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đồng thời, gợi cho ta liên tưởng đến làng Sen quê hương của Cụ. Bên phải ngôi mộ là nhà trưng bày những hình ảnh và hiện vật về cuộc đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Nơi an nghỉ của Cụ thường xuyên được trùng tu để bảo tồn
Khu di tích nhìn từ trên cao. Ảnh: Tùng Thiện
Những công trình từ cổng tam quan trở vào khu mộ Cụ bao gồm Hồ sao, nhà kiếng, nhà bát giác và dãy nhà chữ nhật liền kề được tỉnh Đồng Tháp khởi công xây dựng vào ngày 22/8/1975, khánh thành vào ngày 13/2/1977. Khu đối diện là mô hình nhà sàn và Ao Sen Bác Hồ được khởi công xây dựng tháng 2/1990 và khánh thành vào đúng ngày 19/5/1990 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác.
Năm 2010, Khu di tích khánh thành công trình “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”. Với diện tích sau khi mở rộng là gần 9 ha, trong đó có xây dựng mới nhà trưng bày về cụ Nguyễn Sinh Sắc, và phục dựng lại 1 góc làng Hòa An xưa nơi đã gắn bó với cụ Sắc những năm cuối đời. Đến năm 2012, nhân lễ giỗ lần thứ 150 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, Khu di tích tiếp tục khánh thành công trình Đền Thờ Cụ trên cơ sở cải tạo lại nhà bát giác và dãy nhà chữ nhật liền kề.
Trong khuôn viên Khu di tích hiện nay có hàng trăm loại cây xanh, hoa kiểng quý được trồng để tạo bóng mát và vẻ đẹp tự nhiên cho nơi yên nghỉ của một nhà nho yêu nước. Phía bên phải mộ là vườn cây lưu niệm do các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trồng, bên trái là vườn cây lưu niệm của 12 huyện, thị, thành trong tỉnh Đồng Tháp dâng tặng. Đặc biệt là cây khế và cây sộp gần 300 năm tuổi do ông Ngô Văn Hay, một gia đình là cơ sở của cách mạng ở Sa Đéc tặng. Năm 2014, 2 cây này được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp.
Tại Khu di tích còn có 2 tác phẩm điêu khắc bằng gỗ “Chín đầu rồng”; “12 con giáp” của Nghệ nhân Lê Trí Liên (Đồng Tháp) được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận “Tác phẩm về điêu khắc nghệ thuật từ gốc cây nguyên khối lớn nhất Việt Nam”.
Các loại hoa được trồng nhiều trong khu di tích. Ảnh: Tùng Thiện
Xung quanh mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được bao bọc bởi các loài hoa kiểng do nhân dân khắp nơi mang đến tặng để tạo bóng mát và vẻ đẹp tự nhiên cho nơi an nghỉ của một nhà nho yêu nước. Bà Phan Thị Vũ Quyên, Giám đốc Khu di tích cho biết thêm: “Lãnh đạo cao cấp ở Trung ương khi về thăm và làm việc tại Đồng Tháp đều đến thắp hương lên mộ phần cụ Nguyễn Sinh Sắc và trồng cây lưu niệm tại đây. Vườn kiểng này, phong phú các loại cây, được tạo dáng dạng kiểng bonsai đẹp mắt, với nhiều chủng loại cây như Nguyệt quế, Mai, Dã hương, cây Sộp, cây Sanh…
Nhà sàn Bác Hồ trong Khu di tích. Ảnh: Tùng Thiện
Dịp hè đến thăm viếng, thắp nén hương lên mộ phần cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc để tìm hiểu thêm một vùng đất địa linh nhân kiệt nằm bên bờ sông Tiền, du khách không chỉ được thưởng ngoạn không khí làng quê Nam bộ thanh bình, mộc mạc, được nghe đàn ca tài tử cải lương thấm đượm nghĩa tình, mà còn để trải lòng mình trong những khoảnh khắc không thể nào quên trên mảnh đất Đồng Tháp, vùng đất sen hồng./.
Bài: CTV Ngọc Bền/VOV ĐBSCL