Hội thảo “Định hướng xây dựng sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên” diễn ra ngày 8.11 tại Hưng Yên đã thu hút sự chú ý của hơn 50 đơn vị lữ hành trong nước. Qua trao đổi, đại diện nhiều đơn vị lữ hành tỏ ra ngạc nhiên khi Hưng Yên có nhiều điểm đến hấp dẫn đến thế.
Tỉnh Hưng Yên đã nhận được nhiều góp ý từ các chuyên gia, đơn vị lữ hành về định hướng phát triển du lịch
Theo ông Phạm Văn Hiệu, PGĐ Sở VHTTDL tỉnh Hưng Yên cho biết, Hưng Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch với số di tích được xếp hạng đứng thứ 3 cả nước. Trong đó, phải kể đến khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như cụm di tích Phố Hiến. Các di tích lịch sử tại đây được hình thành bởi sự phong phú về phong tục, tập quán của người Việt, người Hoa, người Nhật và châu Âu. Đây cũng là cụm di tích được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt năm 2014 và được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 744/QĐ-TTg ngày 27.5.2010 về phê duyệt quy hoạch tổng thể, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch.
Ngoài ra, Hưng Yên còn có hệ thống các chùa đền thờ, nhà tưởng niệm như chùa Thái Lạc (hay còn gọi là Pháp Vân Tự), nơi lưu giữ nhiều bức phù điêu cổ từ thời nhà Trần; Đình Đại Đồng; Nhà tưởng niệm cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh… Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên cũng sở hữu số lượng làng nghề lớn lên tới 49 làng.
Hưng Yên có hệ thống đình, chùa, nhà tưởng niệm có kiến trúc độc đáo
Giàu tiềm năng là vậy nhưng ông Phạm Văn Hiệu cũng thừa nhận thế mạnh du lịch của Hưng Yên vẫn chưa được khai thác đúng mức, hiệu quả: “Sự đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế chung của tỉnh còn thấp. Mặt khác, nhìn lại trong vòng một thập kỷ phát triển vừa qua, du lịch Hưng Yên đã bộc lộ rất nhiều hạn chế trên nhiều phương diện. Cụ thể, phần lớn tài nguyên du lịch của tỉnh là di tích lịch sử, văn hóa chưa thu hút được nhiều khách du lịch. Cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật thiếu và xuống cấp. Đồng thời, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đạt chuẩn cũng như nguồn nhân lực tỉnh còn thiếu và yếu”, ông Hiệu chia sẻ.
Trong khi đó, Hưng Yên hoàn toàn có thể biến du lịch thành ngành kinh tế với những tài nguyên đang có. Ths. Hồ Thị Kim Thoa, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch cho hay, năm 2018, Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch tỉnh Hưng Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh Hưng Yên đang tích cực kêu gọi đầu tư, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch làng nghề, tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Với những nỗ lực của mình, du lịch tỉnh Hưng Yên bước đầu đã có những bước phát triển nhất định. Năm 2018, khách du lịch đến Hưng Yên ước tính đạt khoảng 900.000 người (tăng 13% so với năm 2017). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số lượt du khách đến đây ước khoảng 670.000 lượt. Khách quốc tế có khoảng 14.500 lượt.
Tuy vậy, khách du lịch đến Hưng Yên vẫn chỉ dừng lại ở mức manh mún, tự phát, thời gian lưu trú ngắn. Điều này xuất phát từ việc sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên thiếu tính đa dạng, chưa giữ chân được du khách.
Trước những khó khăn đang gặp phải, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định: “Với Hưng Yên, xây dựng sản phẩm du lịch phải lấy tài nguyên nhân văn làm hạt nhân. Các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh, trải nghiệm… cần được đa dạng hóa. Hưng Yên cũng cần chú trọng đầu tư, hoàn thiện các tiêu chí về điểm đến như đường xá, hạ tầng viễn thông, trung tâm giải trí… Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch cần được tăng cường về số lượng và trình độ chuyên môn”.
Bà Vũ Thị Ngọc Bích, đại diện Công ty CP Dịch vụ và Du lịch Amazing (chuyên đón khách Hàn Quốc) đề xuất: “Các điểm đến của Hưng Yên cần nhiều và liên kết bài bản, chuyên nghiệp hơn. Hưng Yên thật sự giàu tiềm năng du lịch nhưng nếu không tích cực quảng bá sản phẩm sẽ rất khó để du lịch tỉnh nhà khởi sắc”.
Với ông Trần Văn Mạnh, đại diện HanoTours, ông không khỏi ấn tượng với làng nghề dược liệu Nghĩa Trai của tỉnh Hưng Yên. Ông khẳng định những điểm đến mới lạ như làng nghề dược liệu hoàn toàn có thể đưa vào các tour tạo sự thích thú cho du khách. Đối tượng là học sinh, sinh viên cũng có thể chọn địa điểm này để tìm hiều về các làng nghề truyền thống.
Làng nghề dược liệu Nghĩa Trai cũng sẽ là lựa chọn đặc biệt cho lịch trình của du khách
Có nhiều năm kinh nghiệm trong đón các đoàn khách quốc tế từ thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore, bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Giám đốc Thái Phú Travel gợi ý: Hưng Yên là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn đi du lịch trong ngày bởi lợi thế địa lý gần với nhiều thành phố lớn. Nhưng nếu du khách muốn ở lại 2 ngày hoặc hơn, những tiềm năng du lịch tại đây hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách. “Hơn nữa, ở đây có khu trồng dược liệu hoa cúc, nếu vào mùa hoa nở, các công ty lữ hành hoàn toàn có thể đưa các đoàn đến đây chụp ảnh”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng bày tỏ trăn trở, làm sao có thể đầu tư đúng mức và khai thác một cách khoa học, hiệu quả tiềm năng hiện hữu để Hưng Yên không chỉ phát triển du lịch nhanh mà còn bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xóa đói giảm nghèo… Đây mới chính là mục tiêu phát triển của toàn ngành du lịch Việt Nam và các địa phương.
Theo baovanhoa.vn