Nằm sâu trong ngôi làng cổ ven bờ sông Nhuệ (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nằm kín đáo giữa những dãy nhà cao tầng xung quanh, đủ cả sân vườn và 3 dãy nhà kết cấu hình chữ U. Tầng 2 ngôi nhà chính là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 3/12/1946 đến 19/12/1946, vẫn được bài trí như xưa.
Ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.
Căn buồng nhỏ của con trai thứ hai của chủ nhà - cụ Nguyễn Văn Dương, đã được nhường lại cho Bác để ở và làm việc. Phòng gồm một chiếc giường gỗ, ghế bàn, mắc áo được kê lại để phù hợp với công việc và sinh hoạt của Bác trong những ngày đông giá rét. Bên cạnh đó là chiếc đèn và đôi tạ Bác tập thể dục hàng ngày. Các kỷ vật đã nhuốm màu thời gian, nhưng mọi người vẫn cảm nhận được hình dáng của Bác vẫn gần gũi. Đặc biệt, trên bàn làm việc còn trưng bày bản phục chế "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Bác viết, với những ý, những dòng được chỉnh sửa để phù hợp như lời hịch kêu gọi đồng bào cả nước chung sức làm cách mạng. Cạnh đó là bản phục chế các trang báo Cứu quốc, mà theo chị Ngô Thị Minh Tâm, phụ trách di tích, trong thời gian Bác ở đây, các cán bộ vẫn thường xuyên chuyển báo cho Bác đọc để nắm tình hình trong và ngoài nước.
Căn phòng rộng hơn có bộ bàn ghế mây, là nơi Bác Hồ thường xuyên họp bàn với các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng để thảo luận kế sách kháng chiến; đặc biệt là cuộc họp Ban chấp hành Trung ương mở rộng với sự tham gia của Bác và Tổng Bí thư Trường Chinh, Ủy viên Trung ương Lê Đức Thọ, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thông qua Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tại căn phòng này còn có sập, giường, tủ tài liệu... những kỷ vật liên quan đến thời gian Bác sống và làm việc tại đây. Để thuận lợi cho nhân dân và du khách tới tìm hiểu di tích, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội đã bố trí một ban thờ anh linh Bác ngay tại căn phòng này.
Những đồ vật trong nhà cụ Nguyễn Văn Dương được nhường lại cho Bác Hồ trong thời gian ở và làm việc.
Tầng 1 ngôi nhà chính được trưng bày phụ trợ, minh họa sự kiện lịch sử những ngày đầu thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và giới thiệu khái quát về cơ sở cách mạng ở Vạn Phúc, những hình ảnh tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc. Trong khuôn viên di tích còn hai dãy nhà dọc được sử dụng làm phòng trưng bày về truyền thống cách mạng của đảng bộ, nhân dân phường Vạn Phúc, phòng đón tiếp khách tham quan, nghiên cứu và học tập.
Chủ nhân của căn nhà là cụ Nguyễn Văn Dương, người thường xuyên nuôi giấu cán bộ cách mạng, trong đó có các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ. Ngôi nhà là nơi gây dựng cơ sở cách mạng, tạo tiền đề cho cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Với ý nghĩa trọng đại của sự kiện ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" và là nơi tổ chức các cuộc họp quan trọng của Trung ương, ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tháng 2/1975.
Nói về những kỷ niệm và câu chuyện về Bác, bà Nguyễn Thị Hà, con gái cụ Nguyễn Văn Dương cho biết: "Cha tôi nói rằng, Cụ (Bác Hồ) đi làm rất sớm và chỉ trở về khi đã rất muộn. 2 anh trai tôi có hôm bỏ quên đồ trên gác, khi lên gặp Cụ ở nhà. Cụ mặc quần nâu, áo nâu, suy tư lắm, cứ đi từ đầu nhà bên này sang nhà bên kia. Anh tôi chào thì Cụ gật đầu và không biết đó là Bác Hồ, mà chỉ nghĩ là cán bộ cao cấp".
Cũng theo lời bà Hà, đến hôm gần đi, Bác Hồ có gọi cha bà lên nói, đại ý là trước phải giữ bí mật nên không nói cho gia đình biết, nay phải đi xa, Bác cảm ơn gia đình đã bố trí cho Bác và những đồng chí có nơi ăn chốn ở. "Hôm Bác đi, chúng tôi vẫn không biết đó là Bác Hồ, nhưng bố mẹ tôi thì biết, nên chạy theo. Mấy chị em chúng tôi cùng ùa ra, nhưng vẫn nghĩ là các bác cán bộ đến chơi, nay phải đi, nên trong lòng thấy nuối tiếc", bà Nguyễn Thị Hà bồi hồi nhớ lại.
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại khu di tích tại làng Vạn Phúc, Hà Đông.
Cuối năm 1946, trong những ngày khẩn trương chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngày 3/12/1946, Trung ương đã bí mật đưa Bác về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc. Do nhà cụ Dương có xưởng dệt lụa lớn, thường xuyên có khách đến giao thương nên che mắt được bọn mật thám. Bản thân cụ Dương cũng thường xuyên tham gia rất nhiều công việc để phục vụ cách mạng. Vì thế, đồng chí Trần Đăng Ninh, Trưởng ban Công tác đội Trung ương đã về gặp đồng chí Phúc Khánh, Ủy viên Tỉnh ủy Hà Đông bàn bạc và thống nhất chọn nhà cụ Nguyễn Văn Dương làm nơi ở, làm việc của Bác Hồ.
Trong thời gian này Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giải quyết các nhiệm vụ cách mạng quan trọng. Tại ngôi nhà này, trong hai ngày 18, 19/12/1946, Người đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, phát động toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đường lối, phương châm cơ bản của cuộc kháng chiến được vạch ra tại hội nghị này đã được thể hiện trong Chỉ thị "Toàn quốc kháng chiến" của Đảng. Hội nghị cũng thông qua "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo.
Vào hồi 20 giờ ngày 19/12/1946, quân dân thủ đô Hà Nội đã nổ súng mở đầu cuộc kháng chiến trong toàn quốc. Ngày 20/12/1946, tại Hang Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (cũ), Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.
Phương Anh/baodansinh.vn