Từ thành phố Hòa Bình, chúng tôi di chuyển đến bến cảng Thung Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong) để lên tàu và khám phá lòng hồ Hòa Bình - hồ thủy điện lớn nhất cả nước với diện tích mặt nước khoảng 9.000ha, dung tích 9,43 tỷ m3. Con tàu chầm chậm trôi giữa những ngọn núi đá vôi xen kẽ với hệ thống hang động với vô vàn khối nhũ nhiều màu sắc. Khó có thể tưởng tượng, mặt hồ êm ả kia từng là dòng sông Đà hung dữ được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”. Sau quá trình đắp đập ngăn sông, dòng sông Đà hung dữ ngày ấy nay đã trở thành hồ nước ngọt nhân tạo, ghi dấu quá trình chinh phục thiên nhiên của con người. Ngày nay, hồ Hòa Bình đã trở thành một khu du lịch quốc gia với nhiều danh thắng nổi tiếng cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống dọc theo 200km hồ, trải dài từ Hòa Bình tới Sơn La.
Du khách thưởng thức bữa sáng tại một homestay ở bản Đá Bia
Sau khoảng 2 giờ, chúng tôi đến Đá Bia khi trời đã nhá nhem tối. Những ngôi nhà sàn tựa lưng vào núi, thấp thoáng ẩn hiện sau những tàng cây xanh tốt. Đón đoàn từ đầu con dốc nhỏ là các mế (bà), mạng (mẹ), cải (chị) duyên dáng trong bộ áo coóm, váy Mường và nụ cười thân thiện. Dưới chân dốc, những chiếc thuyền độc mộc neo chụm vào nhau. Cách đó không xa, những người đàn ông thảnh thơi buông cần câu cá. Không gian yên bình, lắng đọng hòa trong hơi lạnh tỏa ra từ núi. Tiếng bà con cười nói, chào du khách như người thân lâu ngày gặp lại khiến không khí trở nên vui vẻ, ấm cúng.
Chúng tôi nhận chỗ ngủ, sắp xếp đồ và làm vệ sinh cá nhân rồi nhanh chóng dùng bữa tối đã được ông Lò Văn Thích, 49 tuổi, chủ homestay Quang Thọ chuẩn bị. Trước lời giới thiệu mộc mạc của ông, chúng tôi hiểu hơn về ý nghĩa văn hóa, tâm linh của các món ăn và thứ tự bày biện trong mâm cỗ lá của người Mường. Bữa cơm vui hơn khi chàng trai người Mông - Giàng A La, thổi những điệu dân ca bằng tiếng khèn lá điệu nghệ.
Sau bữa cơm, chúng tôi quây quần bên bếp lửa ngoài trời và say theo những lời ca, điệu múa sênh tiền do những phụ nữ ở bản Đá Bia tự dàn dựng để biểu diễn phục vụ du khách. Chị Bùi Thị Mịa, 37 tuổi, một thành viên của đội văn nghệ xóm Đá Bia cho biết: “Nếu không bị vướng dịch, du khách thường tới đây kín các ngày cuối tuần. Việc tham gia đội văn nghệ giúp chúng tôi cảm thấy vui, tự tin và có thêm thu nhập ổn định, đồng thời cũng là cách để chúng tôi giữ gìn những bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Sáng hôm sau cả đoàn dậy sớm, ăn sáng bên ngôi nhà hướng ra lòng hồ thơ mộng. Làn sương mỏng mảnh vắt ngang sườn núi soi mình xuống mặt hồ yên ả tạo nên một bức tranh thơ mộng, khiến chúng tôi không dám làm ồn vì sợ phá tan cái không khí trong veo, yên bình ấy. Sau khi thưởng thức bát cháo cá nóng hổi cùng món bánh nẹt độc đáo, chúng tôi đi dạo, khám phá bản Đá Bia. Điểm khởi đầu là quán Tự giác - “siêu thị mi ni” của người Mường Ao Tá nằm ven đường, bên trong bày các mặt hàng nông sản của các hộ dân như chuối, cam, bưởi, măng khô, cá nướng... Đặc biệt, gian hàng này chưa bao giờ có người bán. Người mua lựa chọn hàng thoải mái rồi thả tiền vào giỏ. Dù không có người thu tiền nhưng gian hàng này chưa bao giờ bị “quỵt” tiền. Vì thế, quán có tên là Tự Giác. Mô hình này đã tồn tại từ những năm 1960 và chỉ có ở Đá Bia.
Chúng tôi tiếp tục đi bộ tham quan một vòng bản, xem cách người Mường Ao Tá nuôi cá lồng, đánh bắt cá, làm nương và trải nghiệm chèo thuyền kayak trên hồ. Sau khi mặc áo phao để bảo đảm an toàn, chúng tôi lên thuyền hai người một, nghe hướng dẫn cách chèo và các chỉ dẫn khác. Mất vài phút bỡ ngỡ, cuối cùng, con thuyền màu cam xinh xắn cũng phải “nghe lời”, đưa chúng tôi khám phá vẻ đẹp của hồ Hòa Bình và tận hưởng không gian khoáng đạt, thơ mộng của thiên nhiên.
Ngắm nhìn những thành quả và sự đổi thay trên vùng đất từng bị tách biệt với cộng đồng xung quanh, người dân ở Đá Bia không giấu nổi tự hào bởi họ đã nỗ lực giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục tập quán để tạo nên bản sắc riêng, thu hút du khách đến ngày một nhiều hơn. Nhờ sự giúp đỡ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cùng Tổ chức Action on Poverty (AOP), một tổ chức phi chính phủ độc lập, phi lợi nhuận của Australia, bà con nơi đây đã thoát nghèo. Sau 4 năm triển khai (từ năm 2017), mô hình du lịch cộng đồng ở bản Đá Bia đã thu hút 33/40 hộ tham gia trực tiếp vào các hoạt động lưu trú, cung cấp lương thực thực phẩm, biểu diễn văn nghệ...
Đặc biệt, năm 2019, Điểm du lịch cộng đồng xóm Đá Bia là 1 trong 3 khu du lịch của cả nước đoạt giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Năm 2020, nơi đây được tỉnh Hòa Bình xếp hạng là Sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) về du lịch 4 sao. Đấy là sự công nhận xứng đáng cho những gì mà người dân ở bản Đá Bia nỗ lực nhiều năm qua, để bản làng ngày một giàu đẹp, văn minh, song song với việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Theo Hà Nội mới
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |