Chính sách thị thực là rào cản đối với du lịch Việt Nam: Doanh nghiệp nói có |
Tại phiên hiến kế về du lịch, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch công bố số liệu cho biết, trong vòng 4 tháng đầu năm 2019, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 5,96 triệu lượt, tăng khoảng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng lại thấp hơn so với kỳ vọng đặt ra là 11%.
Một số doanh nghiệp băn khoăn, chính sách thị thực đã và đang góp phần hạn chế khách du lịch chọn Việt Nam là điểm đến, đồng thời bày tỏ nguyện vọng các cơ quan quản lý Nhà nước nên áp dụng chính sách miễn thị thực để thúc đẩy du lịch, góp phần đạt được mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu khách quốc tế.
Bên cạnh đó, các đại biểu còn chia sẻ những bất đồng còn tồn tại trong chính sách thị thực của Việt Nam. Điển hình là việc Việt Nam chỉ miễn thị thực trong 15 ngày, ngắn hơn thời gian trung bình của một tour du lịch hay quy định việc mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam ít nhất là 30 ngày…
Nhà quản lý nói không… |
Đứng ở góc độ nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao nhận định, chính sách miễn thị thực không phải là yếu tố quyết định đến việc tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam, mà chính là việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Bà Hương Lan viện dẫn theo báo cáo về năng lực cạnh tranh về du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, yêu cầu thị thực chỉ là 1 trong 90 tiêu chí để xếp hạng cạnh tranh về du lịch của một quốc gia.
Bà Nguyễn Thị Hương Lan, Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao
Ví dụ: Tây Ban Nha là nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh của ngành du lịch, nhưng lại xếp hạng về yêu cầu thị thực là 76, Nhật Bản xếp thứ 4 về năng lực cạnh tranh du lịch nhưng lại đứng thứ 112 về xếp hạng yêu cầu thị thực. Mỹ đứng thứ 6 về năng lực cạnh tranh du lịch nhưng lại xếp thứ 122 trên bảng xếp hạng về yêu cầu thị thực…
“Các quốc gia trên thế giới thực tế là có thúc đẩy miễn thị thực, nhưng phần lớn là dựa trên nguyên tắc có đi có lại và đảm bảo những lợi ích thực chất cho công dân của các quốc gia đó” – bà Hương Lan khẳng định.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, việc đơn phương miễn thị thực không phải là một giải pháp để thu hút người nước ngoài lựa chọn Việt Nam là điểm đến.
Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an
“Chính sách thị thực của Việt Nam cơ bản là thông thoáng, đơn giản. Việc xét duyệt thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam chỉ mất thời gian 3 ngày, thủ tục rất đơn giản: không phải chứng minh tài chính, không phải lấy dấu vân tay, tờ khai cũng rất đơn giản… “ - Đại tá Nguyễn Văn Thống chia sẻ.
Nên thực hiện chính sách thị thực linh hoạt? |
Có mặt tại phiên Hiến kế Du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Viettravel nhấn mạnh, thay vì bàn đến việc miễn thị thực cho du khách nước ngoài muốn đến Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc áp dụng chính sách visa linh hoạt…
Nhưng thế nào là visa linh hoạt? Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết :“Chúng ta nên chăng áp dụng từng thời điểm đối với mùa thấp điểm, mùa cao điểm. Có những thị trường chúng ta miễn thị thực rồi nhưng chẳng khách nào đến, nhưng có thị trường không miễn thì khách lại tăng. Vậy phải chăng chúng ta miễn trượt”?
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty Vietravel
“Năm 2020, Việt Nam có giải đua xe công thức 1 (F1), vậy chúng ta có thể miễn visa cho mọi du khách đến Việt Nam có vé xem F1. Hay năm 2021 chúng ta có SEAGAMES, tại sao chúng ta không miễn visa đối với những du khách này?” – ông Nguyễn Quốc Kỳ đặt câu hỏi.
Không chỉ vậy, nhiều đại biểu cũng đồng tình với quan điểm nên cởi mở thị thực đối với những du khách đến từ các thị trường tiềm năng, có mối quan hệ ngoại giao hữu hảo với Việt Nam, không tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh và có thể đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.
Theo nhiều đại biểu, nếu chính sách thị thực thực sự thông thoáng, linh hoạt, mới có thể mong đạt được mục tiêu đến năm 2020 thu hút được 17-20 triệu khách quốc tế, chỉ tiêu tổng thu từ du lịch đạt 35 tỷ USD, tạo ra 4 triệu việc làm và cơ bản đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để tạo động lực phát triển các ngành và lĩnh vực khác.
Anh Vũ - Tiến Sỹ
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...