Đà Nẵng vẫn đang thiếu vắng những khu vui chơi giải trí về đêm
Nhanh chóng kích cầu du lịch sau đại dịch Covid-19, lượng khách nội địa đến Đà Nẵng ngày một tăng. Đây là một dấu hiệu khả quan trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch của thành phố bên bờ sông Hàn.
Sau thời gian dài phải ở nhà tránh dịch, chị Nhật Hạnh ở tỉnh Bình Định cùng gia đình đi du lịch tại Đà Nẵng. Chị Hạnh cho biết, ban ngày gia đình chị đi thăm quan một số nơi như Bà Nà Hills, rồi tắm biển. Buổi tối, cả nhà vào dạo quanh phố cổ Hội An đến 9 giờ tối thì về lại Đà Nẵng ngủ. Chị Hạnh bất ngờ khi một thành phố du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng lại là “thành phố đi ngủ sớm”: "Đi ra Đà Nẵng này thì tôi thấy chỉ có ăn, ngủ, tắm biển thôi chứ còn tìm chỗ khu vui chơi ban đêm thì không có. Khu ăn uống thì chỉ có mấy hàng ăn vặt, mà ăn vặt thì nơi nào chả có. Tôi cần tìm một chỗ nào đó có điểm nổi trội hơn, phát triển hơn, mang lại cho mình sự thoả mái, vui và về để nhớ thì Đà Nẵng không có".
Khu phố An Thượng, quận Ngũ Hành Sơn được mệnh danh là “phố Tây” ở Đà Nẵng nhưng cũng chỉ có vài hàng quán mở cửa đón khách sau 22 giờ. Những sự thiếu hụt các trải nghiệm về đêm đang khiến du khách cảm thấy chưa hài lòng vào mỗi đêm ở thành phố bên sông Hàn này.
Chị Nguyễn Viết Cẩm Viên, chủ khách sạn Chào Hotel ở An Thượng 1, quận Ngũ Hành Sơn cho biết, rất nhiều khách nghỉ tại khách sạn hỏi khu vui chơi, giải trí ban đêm ở Đà Nẵng nhưng chị không biết giới thiệu ở đâu bảo đảm chất lượng: "Mình thấy ở Đà Nẵng rất thiếu nhu cầu về ban đêm cho du khách. Đa phần khách ở đây nói rằng Đà Nẵng không có điểm thu hút cho người ta tới đây vào ban đêm".
Theo thống kê của google.trends, từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh, các từ khoá tìm kiếm du lịch Việt Nam trong tháng 6 đã tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2 tuần trước đó. Tuy nhiên, Đà Nẵng không xuất hiện trong top 10 tìm kiếm. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra khiến du lịch Đà Nẵng vẫn chưa thể phát huy được tiềm năng và chưa thu hút du khách bằng các điểm đến trong khu vực chính là sự thiếu vắng của các dịch vụ vui chơi, giải trí về đêm.
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành phố Đà Nẵng là “đáng sống” nhưng mới là đáng sống ban ngày và đáng ngủ ban đêm. Đà Nẵng vốn hoạt động ban ngày bây giờ chuyển sang hoạt động cả ban đêm thì phải có thêm cái gì? Khác điều gì? Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, đó là bài toán đặt ra và phát triển du lịch đêm sẽ tạo sức bật mới cho du lịch Đà Nẵng: "Khi bắt đầu làm thì đừng làm đến đâu hay đến đấy mà phải có một tính toán bài bản từ đầu. Đặt ra 1 cách tiếp cận với kinh tế ban đêm là phải rất nghiêm túc, rất khác. Khi là cả một thành phố ban đêm thì cuộc chơi khác đi rất nhiều".
Phần lớn các khu vui chơi cũng đóng cửa sau 22h30 nên không đủ sức níu chân du khách
Trên thực tế, nhiều quốc gia Châu Á cũng nhanh chóng phát triển mô hình du lịch đêm như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tại Đà Nẵng hiện nay, những sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra ở các điểm đến vào ban đêm chỉ dừng ở góc độ dịch vụ ăn uống, giải trí về đêm như: các mô hình Chợ đêm Helio, chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê. Dù đã đưa vào hoạt động, nhưng du khách đánh giá quy mô, chất lượng của sản phẩm còn nhiều hạn chế.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, sắp tới Sở sẽ xác định khu vực và đề xuất các hoạt động cho các hộ dân, hoặc sẽ có hình thức trang trí để nhận diện các khu vực dịch vụ đang thí điểm cho phát triển kinh tế ban đêm. Về lâu dài, cũng dự kiến sẽ chọn một số khu vực để quy hoạch xác định cụm du lịch trọng điểm để phát triển kinh tế ban đêm như khu vực phố du lịch An Thượng, tuyến Bạch Đằng – Trần Hưng Đạo và cầu Nguyễn Văn Trỗi: "Chúng tôi sẽ tham mưu cho thành phố để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho kinh tế ban đêm, đầu tư phát triển hỗ trợ các sản phẩm kinh tế đêm, tăng cường xúc tiến quảng bá kinh tế ban đêm. Một vấn đề quan trọng nữa là sẽ xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và lực lượng tham gia phục vụ phát triển dịch vụ kinh tế ban đêm".
Việc phát triển các sản phẩm và dịch vụ về đêm đang được xem là giải pháp quan trọng và cấp thiết để Đà Nẵng tự thân có sự cuốn hút du khách. Đó cũng là cơ sở để Đà Nẵng tạo điều kiện cho các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn về du lịch triển khai, hình thành các sản phẩm du lịch đêm chất lượng, nhằm khai thác nguồn lợi khổng lồ từ thị trường này./.
Phương Cúc/VOV miền Trung
Sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà...
Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, Đà Nẵng đang tập trung phát triển mảng sản phẩm du lịch cao cấp, trong...
Thời gian gần đây, khái niệm “Kinh tế đêm” dần được các địa phương quan tâm đặc biệt. Nhiều nơi đã tổ chức...
Trước thực trạng thiếu hụt nhân sự ngành du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, với sự tăng...
Ngành du lịch đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 nhưng cũng đồng...
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng đã hồi sinh mạnh mẽ. Đà Nẵng là một trong...
Hiện nay, việc tuyển sinh ngành du lịch của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã...
Sau khi hãng VietJet Air và hãng Korean Air khai thác trở lại đường bay trực tiếp Incheon – Đà Nẵng, khách...
Các sản phẩm du lịch biển đêm mới ra mắt trong vài tháng nay, nhưng thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định nỗ...
Tối 3/7, tại công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ hội “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng và Không...
Đà Nẵng vẫn chưa có trực thăng cấp cứu, trực thăng du lịch cho giới siêu giàu, tàu biển du lịch, du thuyền...
Tối 22/6, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng...