Như VOV đã phản ánh trong bài Du lịch miền Trung: "Bùng nổ" tour giá rẻ, khách vẫn dè chừng nêu những nỗ lực của các địa phương để hút khách nội địa. Các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch tung ra nhiều gói kích cầu giá rẻ, giảm giá sâu, tuy nhiên lượng khách trở lại vẫn còn dè dặt. Trong tình thế này, nhiều cơ sở lưu trú, khu điểm đến và doanh nghiệp lữ hành đành chấp nhận hoà vốn, thậm chí bù lỗ thêm thời gian để nuôi dưỡng khách và nuôi dưỡng dịch vụ.
Các doanh nghiệp bắt tay cam kết cùng kích cầu du lịch ở Quảng Nam
Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng cam kết kích cầu du lịch giảm giá nhưng không giảm chất lượng
Mặc dù lao đao vì đại dịch Covid-19 nhưng Tập đoàn Sun Group đã mạnh dạn đầu tư 100 tỷ đồng để cải tạo, làm mới Công viên Châu Á tại Đà Nẵng. Đây là trung tâm vui chơi giải trí về đêm bậc nhất miền Trung, dự kiến sẽ mở cửa tự do đón khách trở lại từ tháng 7. Bà Phùng Thị Thanh Thúy, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần SunWorld Tập đoàn SunGroup cho biết, đồng hành cùng với chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng, Sun World Bà Nà Hills tài trợ 1.200 vé cáp treo cho 1.200 khách đặt mua các gói tour của chương trình đầu tiên. Hiệu ứng từ những gói kích cầu là lượng khách du lịch đã trở lại nhưng tâm lý du khách vẫn còn dè dặt.
Bà Thúy nói: “Theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng mong muốn kích cầu du lịch Việt Nam thôi và mong muốn khơi thông và mọi người đi du lịch trở lại. Còn để khôi phục như trước đây cần thời gian vài năm nữa. Đến thời điểm bây giờ, khởi động lại điểm đến để cho nhân viên đi làm, chứ còn về doanh thu để bù đủ chi phí thì rất khó.”
Một góc bờ Đông sông Hàn - TP Đà Nẵng
Theo đánh giá của ngành du lịch, sau hơn 1 tháng triển khai gói kích cầu siêu giảm giá, du khách đến miền Trung tăng dần trở lại. Tuy nhiên, ngay tại thành phố Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Cố đô Huế… lượng khách du lịch cũng chỉ đạt 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên quản lý lưu trú khách sạn Minh Toàn ở Đà Nẵng rất vui khi được trở lại làm việc sau thời gian nghỉ vì dịch bệnh. Suốt mấy tháng qua, dù khách sạn vắng khách, thu nhập người lao động sụt giảm nhưng công ty vẫn trả lương đầy đủ, không để ai nghỉ việc.
Chị Thúy chia sẻ: “Chúng tôi chỉ nghỉ giai đoạn cách ly xã hội nhưng mọi người vẫn chia ca đi làm. Từ tháng 5 thì chúng tôi đi làm như bình thường. Nhiều nơi giảm công suất cho nhân viên nghỉ không lương. Bên tôi có điều chỉnh số ngày công cho phù hợp. So với họ thì mình cũng đỡ hơn, lương vẫn giữ nguyên làm bao nhiêu công thì tính bấy nhiêu công".
Công viên châu Á ở TP Đà Nẵng rực rỡ về đêm
Theo tính toán của các doanh nghiệp lưu trú, đối với doanh nghiệp chủ động nguồn vốn, mặt bằng thì công suất phòng phải đảm bảo ít nhất 40% mới đủ chi phí vận hành. Còn doanh nghiệp sử dụng vốn vay, thuê mặt thì công suất phòng phải từ 60% mới dám mở cửa trở lại. Thực tế, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính eo hẹp và cơ sở vật chất thuê mướn nhiều hơn là sở hữu đang rất khó khăn để mở cửa hoạt động. Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng Giám đốc Khách sạn Furama cho biết, hệ thống khách sạn 5 sao của Furama mỗi tháng phải bỏ ra từ 3 đến 4 tỷ đồng trả lương nhân viên, bảo dưỡng, bảo trì và các chi phí vận hành. Nguồn thu không đủ chi phí vận hành.
Ông Quỳnh cho biết: “Mỗi ngày chúng tôi chỉ có 5% đến 10% khách. Thời điểm này bắt buộc phải mở cửa để cho các hoạt động không bị ngắt quãng, nhân viên cũng không quên tác phong nhiệm vụ. Tôi nghĩ ngành du lịch phải làm thế nào để trợ giúp các khách sạn, đặc biệt cho các khách sạn có khu vui chơi đang mở cửa trợ giá về điện, nước, thu gom rác thải. Như thế thì chúng tôi mới có thể tiếp tục đồng hành cùng với ngành du lịch để có thể tạo ra những gói kích cầu phát triển mạnh mẽ hơn.”
Khách du lịch trở lại Huế sau dịch Covid-19
Du lịch phụ thuộc vào lượng khách đến, trong tình hình dịch bệnh chưa dứt và diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi và ảnh hưởng của ngành du lịch sẽ còn kéo dài. Các đơn vị kinh doanh du lịch bị đặt trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, “đóng cửa mãi cũng không được mà mở cửa đón khách cũng không xong”. Đã có nhiều cơ sở lưu trú, khu điểm đến và lữ hành đành chấp nhận hoà vốn, thậm chí bù lỗ thêm thời gian để nuôi dưỡng khách và nuôi dưỡng dịch vụ. Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel tại Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp phải liên kết để phá băng, nếu chỉ vì doanh thu mà co cụm lại thì nguy cơ sẽ phải giải thể.
Ông Đăng chia sẻ: “Ngày trước sản phẩm của chúng tôi bao gồm 5 đơn vị góp lại và cộng lãi trên cái phần đó làm chi phí. Bây giờ, chúng tôi bỏ lãi đó đi, coi như bằng 0. Bây giờ phải làm để có công việc chạy, nhân viên không quên nghề, để cả một bộ máy, cả một hệ thống cung ứng dịch vụ phía sau lữ hành hoạt động. Còn nếu bây giờ làm mà cứ nghĩ để cho doanh nghiệp mình có lãi để bù lại phần lỗ vừa rồi thì không làm được đâu”.
Nét trầm lặng trên phố Nguyễn Thái Học - Đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam
Việc đồng loạt đại hạ giá, chấp nhận không lãi, thậm chí bù lỗ để nuôi dưỡng nguồn khách sẽ là con dao 2 lưỡi, vô tình tạo nên một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp, giữa các địa phương trên cả nước. Tại một hội thảo du lịch tổ chức mới đây tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, các chuyên gia về du lịch cho rằng, việc giảm giá quá sâu để “kéo” khách quay trở lại như cách làm của một số địa phương, doanh nghiệp thời gian qua là không cần thiết. Ông Trần Trọng Kim, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch cho rằng, Khách du lịch nội địa đang được xác định là thị trường chính của Việt Nam, hiện có khoảng 20 triệu người. Trong khi đó, địa phương nào cũng đua nhau giảm giá thì việc bắt tay nhau, kích cầu vô tình trở thành cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nếu làm không tốt, đến khách nội địa cũng sẽ một đi không trở lại, khiến điểm đến và cả doanh nghiệp “chết lâm sàng”.
Ông Kim cho hay: “Trong khi tất cả các doanh nghiệp đang rất khó khăn cố gắng để tồn tại thì việc giảm giá để kéo khách về thực sự là áp lực lớn làm giảm chất lượng thì tạo ra một sự trải nghiệm không hoàn hảo. Để mô hình kinh doanh tồn tại bền vững, tránh những thiệt hại không cần thiết cho ngành du lịch thì chúng ta nên giữ một giá, giảm mức chấp nhận được, tối đa là 25%, tập trung vào tăng chất lượng dịch vụ, tăng giá trị cho sản phẩm.”
Đại Nội Huế nhộn nhịp khách du lịch tham quan khi mở cửa đón khách trở lại
Các doanh nghiệp tung ra gói kích cầu, giảm giá sâu chỉ là giải pháp tình thế mang tính ngắn hạn để kích thích người dân đi du lịch trở lại. Trong bối cảnh dịch bệnh ở Việt Nam mới tạm thời được kiểm soát, dịch bệnh các nước trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, liệu các doanh nghiệp trụ thêm được bao lâu khi cơ thể của hầu hết doanh nghiệp du lịch đã kiệt quệ./.
Theo VOV.VN
Sau 3 năm gián đoạn do dịch bệnh, UBND thành phố Đà Nẵng vừa quyết định tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà...
Bên cạnh các sản phẩm du lịch hiện có, Đà Nẵng đang tập trung phát triển mảng sản phẩm du lịch cao cấp, trong...
Thời gian gần đây, khái niệm “Kinh tế đêm” dần được các địa phương quan tâm đặc biệt. Nhiều nơi đã tổ chức...
Trước thực trạng thiếu hụt nhân sự ngành du lịch tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, với sự tăng...
Ngành du lịch đang có những bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm bị “đóng băng” vì dịch Covid-19 nhưng cũng đồng...
Sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng đã hồi sinh mạnh mẽ. Đà Nẵng là một trong...
Hiện nay, việc tuyển sinh ngành du lịch của các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã...
Sau khi hãng VietJet Air và hãng Korean Air khai thác trở lại đường bay trực tiếp Incheon – Đà Nẵng, khách...
Các sản phẩm du lịch biển đêm mới ra mắt trong vài tháng nay, nhưng thành phố Đà Nẵng đã dần khẳng định nỗ...
Tối 3/7, tại công viên Biển Đông, thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Lễ hội “Tận hưởng ẩm thực Đà Nẵng và Không...
Đà Nẵng vẫn chưa có trực thăng cấp cứu, trực thăng du lịch cho giới siêu giàu, tàu biển du lịch, du thuyền...
Tối 22/6, Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư Khai thác Nhà ga Quốc tế Đà Nẵng...