Phi cơ bay rất thấp trên cánh đồng Thạch Lỗi
Mặc dù cách đây nửa tháng, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn và 5 xã liên quan ngăn chặn việc người dân đốt rơm rạ tại khu vực lân cận sân bay nhưng tình trạng này vẫn diễn ra như cơm bữa, “uy hiếp” sự an toàn của sân bay Nội Bài. Những cột khói rơm rạ đã cản trở tầm nhìn của các phi công lúc cất cánh và hạ cánh, có thể dẫn đến đáp nhầm đường băng, thậm chí đe dọa đến tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.
Có mặt tại cánh đồng thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vào lúc hơn 16 giờ chiều 27/9, chúng tôi đã chứng kiến một cảnh tượng quen thuộc: nhiều người dân gom phần gốc rạ khô, dài tới gần 3 gang tay, chất thành những đống lớn rồi đốt cháy ngay tại ruộng.
Những cột khói trắng bốc cao ngút trời, rồi theo làn gió lan rộng ra một khoảng không gian rộng lớn. Trong khi đó, cứ khoảng 5- 10 phút lại có một chiếc máy bay hạ độ cao tới rất gần, thậm chí bay xuyên qua những cột khói trắng đó để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Nội Bài. Từ đường Kim Anh, đi dọc bờ mương khoảng 300m, chúng tôi tiếp cận được một thanh niên vừa châm lửa đốt 3 đống rạ rất to. Khi được hỏi anh xử lý thế nào với những gốc rạ thì anh này trả lời rằng để khô thì đốt, và không biết hành động đó sẽ ảnh hưởng tới tầm nhìn của phi công.
Một thanh niên đốt rơm rạ trên cánh đồng xã Thanh Xuân
Cách đó vài trăm bước chân, một phụ nữ trạc tuổi 50 vẫn ung dung, vừa châm lửa đốt những đống rạ màu nâu khô cong, vừa thu gom mấy đống tro tàn đen sì sau khi những đống rạ đã cháy rụi. Người phụ nữ này cho biết bà tên Liễu, ở thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn.
Bà cho biết đang thu gom rạ để đốt lấy tro làm phân bón cho ngô, và rằng xã đã từng cấm đốt tại đây: "Trước đây, họ cũng cấm đấy vì máy bay đi qua, nhưng giờ chắc là họ không cấm nữa."
Ngay cạnh thửa ruộng nhà bà Liễu, chúng tôi còn gặp bà Hà Thị Quyên cũng ở thôn Thạch Lỗi đang cuốc đất. Trên thửa ruộng khô ráo, nứt nẻ, không lún bước chân, vẫn còn những vệt cháy đen tròn to tướng in trên nền đất mà những nhát cuốc chưa kịp xóa dấu vết. Như không dấu được hành vi của mình, bà Quyên thừa nhận việc đốt rơm rạ đã hoàn thành từ chiều ngày 26/9: “Cô vừa cắt và đốt hôm qua đây, đốt rồi. Cô đốt ở cánh đồng chứ có đốt ở sân bay đâu mà cấm. Cũng chả thấy ai bảo gì nên cứ đốt. Không thấy ai nói gì cả.”
Như vậy là những phản ánh của phi công về việc khói rơm rạ làm khuất tầm nhìn, đe dọa an toàn của những chuyến bay khi cất cánh, hạ cánh trong những ngày qua là có thật. Cảng vụ Hàng không miền Bắc đã kiểm tra thực tế trong 2 ngày 15, 16/9 và phát hiện 5 đống rơm rạ đang cháy trên cánh đồng tại khu vực đầu đường cất, hạ cánh số 11, phía Tây sân bay Nội Bài, gần 2 cổng gác an ninh V6 và V8, "uy hiếp" trực tiếp đến hoạt động bay và sự an toàn của hành khách.
Sau khi đốt xong rơm rạ, bà Liễu mang tro về nhà để làm phân bón
Ngày 17/9 vừa qua, Cảng vụ đã gửi công văn khẩn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn và các xã Thanh Xuân, Mai Đình, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường ngăn chặn tình trạng vừa nêu. Ông Trương Hữu Linh, Trưởng phòng Giám sát an toàn, Cảng vụ Hàng không miền Bắc khẳng định: “Đốt rơm rạ tạo nên khói bay lên không gian tại khu vực gần sân bay, đặc biệt là trên hành lang hạ cánh là uy hiếp đến an toàn vì khói có thể giảm tầm nhìn của người lái và nhiều bộ phận khác cũng bị ảnh hưởng.
Việc này diễn ra nhiều năm rồi vào mùa thu hoạch của người nông dân. Trước đây người dân đưa rơm rạ về nhà để đun nấu, làm phân, nhưng bây giờ nhu cầu đó ít. Hiện nay cách thức thu hoạch của dân cũng khác ngày xưa, hiện nay họ thu hoạch bằng máy gặt và gặt đồng loạt, rơm khô cùng một lúc và cháy lan rất nhanh.”
Bà Liễu đốt rơm rạ và thu gom tro hàng tiếng đồng hồ trên cánh đồng
Đại diện phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn cho biết, từ ngày 1/3 đến 11/9/2019, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn đã ký 4 công văn chỉ đạo ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ, đốt rác, thả diều làm ảnh hưởng đến an ninh hàng không. Trong đó đã giao cho công an huyện và đội thanh tra giao thông vận tải kiểm tra xử lý. Vậy các lực lượng này đã làm gì khi những đống rơm rạ vẫn cháy ngùn ngụt trên những thửa ruộng ngay sát đường giao thông?
Theo phòng Tài nguyên môi trường huyện Sóc Sơn, hành vi đốt rơm rạ diễn ra nhanh nên việc xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn do không thiết lập được hồ sơ. Tuy nhiên, trên thực tế, mùa khô này, người dân cắt gốc rạ, phơi ngay trên ruộng nhà mình và khi đốt xong còn chờ tro nguội để mang về nhà. Cũng theo phòng Tài nguyên môi trường thì các xã mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Chưa rõ các địa phương tuyên truyền, nhắc nhở như thế nào nhưng trên những cánh đồng sát nơi máy bay cất cánh, hạ cánh không có tấm biển cảnh báo nào.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mai Đình - Nguyễn Văn Khoa thì cho biết: “Hàng năm đều có văn bản giao cho các thôn tuyên truyền cho dân qua các cuộc họp, hội nghị ở khu dân cư, nhắc người dân mang rạ về nhà, không đốt ngoài ruộng. Trên thực tế vẫn xảy ra nhưng bây giờ đã đỡ nhiều. Bây giờ cắt lúa bằng máy rồi, khi di chuyển thì máy gặt đã đè bẹp gốc rạ xuống đất rồi”.
Đốt rơm rạ tại cánh đồng xã Mai Đình
Sau cuộc trao đổi với đại diện xã Mai Đình, trên đường di chuyển, chúng tôi vẫn thấy những cột khói do đốt rơm rạ vút lên trời cao tại cánh đồng hai bên đường. Trên nhiều thửa ruộng, gốc rạ vẫn chỏng chơ, cao tới gần nửa mét. Rõ ràng, sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng đã khiến cho nguy cơ mất an ninh hàng không tồn tại nhiều năm nay.
Cùng với đốt rơm rạ là tình trạng chiếu đèn laze, đèn có ánh sáng cường độ cao vào máy bay, thả diều trong khu vực máy bay sắp hạ cánh, đốt rác gần hàng rào khu vực bay và thả vật thể bay, máy bay không người lái vào khu vực sân bay…
Sự buông lỏng của chính quyền địa phương càng khiến tình trạng đốt rơm rạ tiếp diễn nhiều hơn, khi những gốc rạ đang dần khô cong trên những thửa ruộng nứt nẻ mà người dân chưa tìm được cách nào khác để phân hủy thành phân bón. An toàn hàng không và cụ thể là tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyên bay tại sân bay Nội Bài vì thế vẫn đang "lơ lửng" như những làn khói trắng từ các đống rơm rạ bị đốt trên cánh đồng huyện Sóc Sơn, Hà Nội./.
Văn Hải/ VOV1
Cận Tết, cả làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) nhộn nhịp, tất bật, đi đến đâu cũng nghe tiếng đục đẽo lách...
Năm nay thời tiết khá thuận lợi, ít mưa có nắng hanh khô nên hầu hết các gốc bưởi Diễn của người dân Phú Diễn...
Các hoạt động của Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2022 cần được tổ chức trang trọng, sáng tạo, độc đáo thu hút...
Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội vinh dự được đề cử và nhận Giải thưởng “Điểm đến du...
Những ngày này, trong không khí Kỷ niệm 74 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 50 năm thực hiện Di...
Vở diễn "Tấm Cám" chuẩn bị cho dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6 tới của sân khấu Lệ Ngọc sẽ không có nhân vật Bụt mà...
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được thế giới công nhận là một trong những vị tướng lỗi lạc nhất mọi thời đại. Ông...
Chiều 27/4 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, Ủy ban nhân dân thị xã Sơn Tây phối hợp với Sở Thông...
Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2022 được tố chức từ ngày 29/4/2022 - 1/5/2022 tại khu vực tuyến phố đi bộ...
Sáng 16/4, tại Khu du lịch Ao Vua, UBND huyện Ba Vì tổ chức Lễ khai trương du lịch huyện Ba Vì năm 2022 với...
Trang tin chuyên về du lịch của Đức Travelbook.de vừa đăng bài viết nêu 6 điểm hấp dẫn khiến du khách phải...
Ngày 7/4, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây dựng phương án đón khách du lịch quốc tế trong...