Tháng 11 về trong tiết trời se lạnh của những ngày đầu mùa khô Nam Tây Nguyên, đây cũng là mùa cỏ hồng ở khu vực hồ Đan Kia - Suối Vàng thuộc thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương rực hồng khoe sắc. Những triền đồi nối tiếp nhau bồng bềnh trải thảm cỏ hồng ngậm sương dưới ánh bình minh khiến nhiều du khách không ngại đường xa tìm đến thưởng lãm. Và khi nhắc đến đồi cỏ hồng, người ta nghĩ ngay về vùng đất Lang Biang đầy huyền thoại.
Cũng bởi lẽ đó, để cỏ hồng thực sự trở thành một “đặc sản” của huyện Lạc Dương, Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang lần thứ III - năm 2019 sẽ dựng lại truyền thuyết Cỏ hồng bằng những thước phim sống động, lấy diễn viên là người dân bản địa. Những hình ảnh từ thước phim dựng lại truyền thuyết Cỏ hồng sẽ được sử dụng lâu dài để quảng bá về vùng đất, con người của huyện Lạc Dương.
Truyền thuyết về loại cỏ hồng được người Lạch - chủ nhân của vùng đất Lang Biang ngàn đời kể về một mối tình bất diệt, ngang trái song thủy chung, son sắt của chàng trai và cô gái miền sơn cước: “Ngày xưa, tại một buôn làng trù phú dưới dãy Lang Biang bên hồ Đan Kia có một vị tù trưởng giàu có, quyền lực và có cả trăm gia nhân, tráng đinh dưới tay. Ông tù trưởng có một người con gái mới lớn xinh xắn và cô đem lòng thương nhớ một chàng trai trẻ, khôi ngô là thuộc hạ của cha mình. Chàng trai kia cũng cảm mến tình cảm cô chủ. Tuy nhiên, vì địa vị cách nhau quá xa, tù trưởng không muốn gả con cho người thanh niên có địa vị thấp kém. Để chứng tỏ tình yêu và chí lớn lập thân, chàng trai trẻ đã nói với người yêu rằng anh sẽ ra đi, rời buôn làng để đi nơi xa tìm kiếm cơ hội và khi nào giàu có, anh sẽ quay về hỏi xin cưới cô. Cô gái gạt nước mắt tiễn người yêu khuất dần bóng nơi phương xa. Đông qua, thu tàn, bao nhiêu mùa hoa nở rồi úa, bao mùa chớp bể mưa nguồn, nước lũ từ nguồn về góc bể mà bóng chàng trai năm nào vẫn biệt tăm. Cô gái chờ đợi người yêu trong nỗi u sầu, nhớ thương đến kiệt sức. Rồi đến một ngày cô gái đã gục xuống và biến thành một loài cỏ mà cứ đến mùa khi chàng trai rời buôn làng thì lại chuyển sang một màu hồng. Về chàng trai trẻ, sau nhiều năm trời vượt đèo xuyên rừng tìm kiếm vùng đất mới lập nghiệp thì đến một ngày nọ, chàng trai trở về với đàn trâu đông đúc hàng trăm con như một lời khẳng định sự giàu có và cũng là món quà sính lễ. Hỡi ôi, khi về đến buôn làng cũng là lúc chàng trai biết tin người yêu vì thương nhớ mình đã qua đời, hóa thân thành loài cỏ hồng. Đau đớn và tiếc thương, chàng trai cũng bỏ ăn bỏ uống rồi chết đi, hóa thân thành chú ngựa thẩn thơ trên đồi cỏ hồng. Loài cỏ hồng ấy vì vậy còn minh chứng hay là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu lứa đôi...”.
Đua ngựa không yên sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới của Lạc Dương. Ảnh: Anh Tú |
Tạo ra sản phẩm du lịch mới
Ông Cao Anh Tú - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lạc Dương cho biết: Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang lần thứ III - năm 2019 với chủ đề “Cỏ hồng - màu yêu thương” với các hoạt động mang nét đặc trưng của huyện Lạc Dương như: tổ chức các trò chơi dân gian, các hoạt động Team Building với nội dung liên quan đến sinh hoạt văn hóa dân gian của người Kơ Ho huyện Lạc Dương; phát động, tổ chức cuộc thi sáng tác tác phẩm nghệ thuật về cỏ hồng, nhằm chuyển tải vẻ đẹp về vùng đất, con người trong không gian danh thắng Đồi Cỏ hồng, hồ Đan Kia - Suối Vàng, cao nguyên Lang Biang bằng ngôn ngữ nghệ thuật nhiếp ảnh, video clip; Giải đua ngựa không yên lần thứ III “Dây cương vàng”. Cùng với đó là các hoạt động hưởng ứng như: phát động cuộc thi sáng tác tác phẩm viết (thơ, truyện ngắn, tản văn...) thể hiện những trải nghiệm, kỷ niệm, ký ức, cảm xúc... về cỏ hồng, về cao nguyên Lang Biang, về con người và đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Đặc biệt, một trong những hoạt động mới của Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang 2019 là tổ chức phục dựng nghi thức cưới hỏi truyền thống của dân tộc Kơ Ho. Địa điểm tổ chức tại Nhà Văn hóa thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais. Hoạt động này sẽ được duy trì lâu dài, tạo thành một điểm đến mới, thú vị cho du khách muốn tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân tộc bản địa.
Là doanh nghiệp tài trợ hoạt động tổ chức phục dựng nghi thức cưới hỏi truyền thống của dân tộc Kơ Ho, ông Trương Lê Sơn - Trợ lý văn hóa và sự kiện của Chủ tịch Liên Minh Group cho hay, công ty sẽ đưa nhóm du khách nước ngoài về dự Mùa hội Cỏ hồng, đặc biệt tham dự lễ cưới của người Kơ Ho để hiểu hơn về nghi thức cưới hỏi truyền thống của dân tộc bản địa. Đây cũng sẽ là điểm đến thu hút du khách nước ngoài khi muốn tìm hiểu về bản sắc văn hóa của người dân bản địa.
Ngoài điểm du lịch mới để tìm hiểu về nghi thức cưới hỏi truyền thống của dân tộc Kơ Ho tại Nhà Văn hóa thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, du khách sẽ được trải nghiệm đua ngựa không yên tại Trường đua ngựa Khu Du lịch Làng Cù Lần. Từ Giải đua ngựa không yên lần thứ III năm 2019, Khu Du lịch Làng Cù Lần sẽ duy trì hoạt động đua ngựa không yên. Qua đó, tạo thành sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương; đồng thời, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
“Lạc Dương xác định nông nghiệp và du lịch là 2 lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển của địa phương. Hiện huyện có 5 tuyến du lịch gồm: du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch văn hóa, du lịch môi trường và du lịch dược liệu. Và từ Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang 2019 sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới mang nét văn hóa của địa phương, để du khách có những trải nghiệm mới, thú vị khi đến với vùng đất Lang Biang”, ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương khẳng định.
Theo báo Lâm Đồng
Còn vài ngày nữa mới đến ngày lễ Quốc tế phụ nữ 8/3 nhưng hiện nay giá hoa hồng của Đà Lạt (Lâm Đồng) và một...
Sau thời gian dài ngưng trệ vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hoạt động du lịch của Đà Lạt – Lâm Đồng đã nhộn...
Trưa 22/8, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại điểm tham quan du lịch Nông trại Cún ở phường 7, TP Đà Lạt (Lâm Đồng)...
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý II năm 2022 do UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức chiều 14/7,...
Sáng ngày 20/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức buổi họp báo công bố Tuần lễ vàng Du...
Ngày 20/4, ông Lê Anh Kiệt, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, trong kỳ...
Sáng nay (10/4), tại Đền thờ Âu Lạc nằm trong danh thắng cấp quốc gia Khu du lịch thác Prenn Đà Lạt, tỉnh Lâm...
Giải chạy được thiết kế theo quy mô và hình thức của một lễ hội thể thao âm nhạc, với mục tiêu trở thành điểm...
Trong bảng xếp hạng của Booking.com về những điểm đến để ngắm hoa, Đà Lạt (Lâm Đồng) đứng thứ 3 trong top 10...
Trước cơn sốt bất động sản, tỉnh Lâm Đồng đã và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ...
Sau gần một năm "đóng băng" vì dịch COVID-19, ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đang có bước phục hồi mạnh mẽ....
Đến ngày 6/2, tức mùng 6 Tết, tỉnh Lâm Đồng thu hút được hơn 300.000 lượt khách du lịch, trong đó có 1.900...