Ngôi nhà sàn cộng đồng to lớn trở thành điểm đón khách lớn nhất làng Khuổi Ky
“Làng đá” và phong tục thờ thần đá
Được sự chỉ dẫn của cán bộ Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng, chúng tôi đến thăm làng Khuổi Ky, ngôi làng nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng của vùng biên giới Cao Bằng là Thác Bản Giốc (cách khoảng 2km) và Động Ngườm Ngao. Cái tên “Làng đá” và phong tục thờ thần đá của đồng bào nơi đây đã trở thành điểm đặc biệt thu hút du khách tới khám phá và trải nghiệm.
Dạo bước trên cây cầu bắc qua dòng suối Khuổi Ky, “làng đá” hiện lên với những ngôi nhà sàn làm bằng đá tồn tại qua hàng trăm năm. Được biết, Khuổi Ky hiện có 100% dân số là dân tộc Tày.
Đá là vật liệu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Tày ở Khuổi Ky
Theo người dân địa phương, truyền thống dùng đá của người Tày đã có từ cách đây hơn 600 năm. Ngược dòng thời gian quay trở về những năm 1594 - 1677, khi nhà Mạc lên Cao Bằng xây thành quách phòng thủ, những ngôi nhà sàn bắt đầu được dựng lên kiên cố như những “pháo đài”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, những ngôi nhà sàn vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, mang dáng dấp cổ kính, trầm mặc giữa không gian bao la của núi rừng biên giới.
Nhà sàn ở làng Khuổi Ky khá đặc biệt, tường và bậc tam cấp được làm bằng đá, mái nhà lợp ngói âm dương, cột nhà được tạo nên từ các khối gỗ lim, nghiến đã đẽo tròn. Bên trong nhà là khung ván gỗ ngăn chia thành các gian sinh hoạt đặc trưng của người Tày gồm gian thờ cúng tổ tiên, gian bếp lửa (sinh hoạt chung) và các phòng ngủ cho mỗi thành viên trong gia đình. Thông thường, để hoàn thành một ngôi nhà sàn bằng đá, người dân phải mất từ 2 - 3 năm tính từ khâu chuẩn bị nguyên liệu cho tới lúc hoàn thành. Bởi vậy, mỗi nếp nhà sàn nơi đây đều được tạo thành từ bàn tay khéo léo chăm chỉ, óc sáng tạo và tính thẩm mỹ của đồng bào dân tộc.
Đối với người Tày ở Trùng Khánh, đá như một vị thần giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên, mang đến một cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt. Vì vậy mà mỗi năm, người Tày đều có những ngày nhất định để tế lễ cảm tạ các vị thần đá, thần rừng… Tập tục tế thần đá còn thể hiện ý thức trách nhiệm của một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên.
Từ tâm niệm này, người dân làng Khuổi Ky có thói quen sử dụng đá như một vật liệu không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi đến Khuổi Ky, đá hiện hữu ở mọi nơi: từ con đường lát đá phẳng phiu, tường rào, bàn ghế, đến bếp lửa, cối xay, cối giã… và không thể thiếu những ngôi nhà sàn là điểm nổi bật nhất ở đây.
Hấp dẫn làng du lịch cộng đồng
Làng Khuổi Ky có 15 ngôi nhà sàn đá, ngoài những ngôi nhà được sửa chữa, nâng cấp sau này thì có khá nhiều ngôi nhà được gìn giữ nguyên vẹn từ hàng trăm năm trước. Hiện Khuổi Ky đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người.
Homestay Mảy Linh, làng Khuổi Ky
Tận dụng lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa dân tộc, các hộ dân ở Khuổi Ky đã bắt đầu phát triển loại hình du lịch cộng đồng với homestay đầu tiên được khai trương vào tháng 9/2017.
Nhận thấy mô hình du lịch homestay phát triển góp phần giúp bà con phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời quảng bá nét văn hóa đặc trưng của người Tày đến với đông đảo du khách, xã Đàm Thủy đã phối hợp với Trung tâm phát triển nông thôn huyện hỗ trợ các hộ dân vay vốn tu sửa nhà để làm du lịch. Giai đoạn 2017 - 2018, làng Khuổi Ky có 3 hộ được hưởng chính sách này.
Những ngôi nhà sàn đá được người dân tu sửa và kinh doanh dịch vụ homestay
Vừa nhanh tay chuẩn bị những món ăn để phục vụ khách du lịch, anh Nông Văn Thơ – chủ homestay Quang Thuận chia sẻ, ngôi nhà sàn đá của anh được xây dựng đến nay đã hơn 50 năm. Đầu năm 2019, vợ chồng anh mạnh dạn tu sửa nhà cửa, nâng cấp phòng và mua sắm thêm vật dụng để kinh doanh dịch vụ lưu trú. Theo anh Thơ, khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế cảm thấy thú vị và hào hứng khi được trải nghiệm văn hóa truyền thống của người Tày khi ở Khuổi Ky.
Cùng với homestay Quang Thuận, đến nay làng Khuổi Ky có 7 hộ dân kinh doanh homestay với nhiều dịch vụ như ăn uống, ngủ nghỉ với mức phí từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày. Tại Khuổi Ky, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn đá “độc nhất vô nhị” ở vùng biên cương, mà còn được giao lưu văn hóa văn nghệ, cùng người dân tận tay bắt cá, hái măng, hay khám phá ẩm thực với những món ăn hấp dẫn như thịt hun khói, lạp sườn gác bếp, bánh dày, cá suối nướng…
Ngoài những điểm kinh doanh lưu trú du lịch, ngôi nhà sàn cộng đồng to lớn tọa lạc tại vị trí giữa làng cũng trở thành điểm đón khách lớn nhất. Tại đây, các hộ dân sẽ cùng nhau phục vụ du khách ăn uống, ngủ nghỉ, tổ chức và hướng dẫn du khách tham gia các hoạt động văn nghệ như hát then, đàn tính, hát sli…
Giữa tiết trời se lạnh của mùa thu biên cương, làng Khuổi Ky nằm e ấp, nép mình dưới chân núi đá vôi hùng vỹ, trước mặt là dòng suối trong vắt dập dìu chảy qua. Bức tranh thiên nhiên vùng sơn cước bình yên và xinh đẹp như chính cuộc sống giản dị của đồng bào nơi đây.
Các homestay được người dân trang trí phù hợp với khung cảnh thiên nhiên
Cây cầu đá bắc qua dòng suối Khuổi Ky, con đường duy nhất vào làng
Dịch vụ tại các homestay khá đa dạng: ăn uống, ngủ nghỉ, giao lưu văn hóa văn nghệ...
Dòng suối Khuổi Ky trong vắt gắn liền với đời sống của người dân Khuổi Ky bao đời nay
Theo vietnamtourism.gov.vn