Trải nghiệm các công đoạn để làm ra hạt cà phê. Ảnh: H.Yên
Câu chuyện cà phê
Trang trại cà phê của cộng đồng người K’Ho này nằm dưới chân núi Lang Biang, trên những ngọn đồi bát úp, ở độ cao 1.700 m so với mực nước biển. Gia đình Rolan Coliêng đã sinh sống tại đây hàng trăm năm nay và đã trồng cà phê qua rất nhiều thế hệ. Chính vì vậy, Rolan Coliêng có niềm đam mê với cà phê nên mạnh dạn thay đổi hướng đi của cà phê truyền thống, thứ đang dần mai một vì hiệu quả không cao để duy trì. Joshua, chồng của chị Rolan, và là một kỹ sư nông nghiệp người Mỹ, người biết làm thế nào để cải tiến giống cà phê, để mang lại hương vị thơm ngon nhất cho tách cà phê.
Cà phê được trồng ở đây là Arabica, vốn rất phù hợp với khí hậu Lang Biang, cũng chính là loại cà phê chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu trên toàn thế giới. Uống một ngụm bạn có thể tìm thấy hương vị hào phóng nhưng cân bằng, phong phú với các nốt tròn của caramel và hạnh nhân chứ không như loại cà phê đậm đà và đắng mà ta hay bắt gặp ở bất cứ quán nào. Cà phê tới mùa được thu hoạch bằng tay, để đảm bảo những quả cà phê được chọn là tinh túy nhất, chín đủ nhất, sau đó được phơi khô trong nhà kính, trên một tấm lưới cách xa mặt đất để đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cà phê. Từng hạt cà phê ở đây được chăm chút đến tận khi ra nhân cà phê bởi những công đoạn trong dây chuyền sản xuất này đều bằng thủ công. Biết bao công sức được bỏ ra, từ những cây cà phê được chăm sóc đến khi ra trái, hái lựa, lọc bỏ cẩn thận, qua thời gian trông giữ, phơi sấy, rang xay phức tạp, tới bàn tay barista pha chế để có được từng giọt cà phê đậm đà. Hiện tại K’Ho Coffee đang ươm các dòng cà phê đặc sản của thế giới để trồng và nhân rộng.
Du khách đến với trang trại cà phê mùa này, họ sẽ được dẫn đi tham quan trang trại, từ những dải đồi trồng cà phê, khu vực nhà kính phơi khô, và cả xưởng sấy khô, sản xuất tới cốc cà phê trên tay. Điều thú vị là ngoài thưởng thức cà phê, mọi người có thể ngồi cùng cô chủ quán luôn thường trực nụ cười trên môi, nghe kể về những hạt cà phê được trồng, chăm sóc được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Trải nghiệm quy trình làm cà phê
K’Ho Coffee nằm ở làng Bnức’C, cách Đà Lạt khoảng 15 km về phía bắc, dưới chân núi Lang Biang. Chị Rolan Coliêng cho biết, trang trại cà phê gia đình của chị mở cửa cho các tour du lịch từ 8 giờ cho đến 16 giờ trong các ngày thứ Hai đến thứ Bảy hàng tuần. Bạn có thể ghé qua để mua hạt cà phê mới rang và đồ thủ công truyền thống K’Ho tại cửa hàng quà tặng.
Bên cạnh đó, du khách cũng sẽ có thể thưởng thức một tách cà phê được trồng tại địa phương trong quán cà phê sân vườn. “Tại đây du khách sẽ có một chuyến tham quan nửa ngày tại trang trại của chúng tôi, nơi bạn sẽ tìm hiểu tất cả về quy trình cà phê từ trồng cây đến tách cà phê thơm ngon” - chị Rolan Coliêng tự hào nói.
Chuyến tham quan bắt đầu tại Trang trại K’Ho Coffee lúc 8h, bắt đầu buổi sáng với một tách cà phê mới pha và thử các phương pháp chế biến cà phê, phân loại, tham gia thực hiện hái, rang cà phê mẫu và tách để nếm thử các loại cà phê khác nhau. Anh Harry (du khách Anh) cho biết, khi bước vào cửa là không gian đặc quánh mùi cà phê xộc thẳng vào trí óc làm tỉnh táo tinh thần.
Không gian kho rang xay và trưng bày cà phê của quán không quá rộng, nhưng cũng không thiếu đi sự tinh tế bằng những chi tiết đặc trưng của dân tộc K’Ho. Quán cà phê chỉ là một cái “chòi” nhỏ nằm giữa sườn đồi, bao quanh bởi những rẫy cà phê đang trĩu cành mùa thu hoạch. “Tới đây, tôi được trải nghiệm từ trồng, thu hoạch cà phê, phơi, rang xay, và được đem sản phẩm mình làm ra về làm quà.” – anh Harry cho biết.
“Hiện tại lượng du khách đặt tour rất đông nên tôi cũng đang đào tạo các bạn trẻ trong vùng tham gia vào tour du lịch trải nghiệm văn hóa cà phê của địa phương, để từ đó nâng cao giá trị hạt cà phê mình làm ra, đồng thời đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho họ” - Rolan Coliêng chia sẻ.
Phải đến tận nơi, nghe những câu chuyện cà phê từ những con người có niềm đam mê với hạt cà phê mới cảm nhận được từng giọt cà phê quý đến như thế nào. Nếu có dịp đến Đà Lạt hãy dành một buổi sáng đến quán cà phê ở chân núi Lang Biang mang tên K’Ho Coffee để sống chậm lại trong tiết trời se lạnh, để nghe những câu chuyện cà phê, thấy được nét văn hóa, thứ đáng được lưu giữ phát triển.
Hoàng Yên/ baolamdong.vn