Góc không gian trải nghiệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám thu hút nhiều học sinh tham gia. Ảnh: Ngọc Tú
Học lịch sử ngoài sách
Minh Anh (7 tuổi) và Anh Minh (11 tuổi) có thể ngồi 2 tiếng trong không gian trải nghiệm cùng di sản tại khu vực sân Bái đường (thuộc Khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám) để mài mực, tập viết thư pháp như các vị nho sĩ ngày xưa. Minh Anh nhỏ tuổi hơn, nên thích thú với trò tô màu trên giấy dó, tự làm ra sản phẩm thủ công trong không gian này. Sau đó, hai em nhỏ còn được chơi game trên máy tính để trả lời về biểu tượng Khuê Văn Các, hay về bức tranh Mãnh hổ… Và trong không gian trải nghiệm cùng di sản ấy không chỉ có Minh Anh và Anh Minh, mà còn có gần 100 em nhỏ đi theo đoàn của nhà trường, hoặc đi theo bố mẹ đến tham quan di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào dịp cuối tuần.
Có nhiều chương trình trải nghiệm như vậy đã được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng. Đó là tìm hiểu hoa văn trên bia Văn Miếu, vinh quy bái tổ, kiến trúc Văn Miếu... Với chủ đề nghê, người tham gia được giới thiệu về ý nghĩa linh vật này. Họ cũng được giới thiệu về những con nghê khác nhau đại diện cho những thời kỳ khác nhau ở Văn Miếu. Hoặc, Nguyễn Hữu Khoa, là học sinh lớp 5C2, trường Tiểu học Nguyễn Siêu, Hà Nội, tham dự buổi trải nghiệm giáo dục di sản tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám tìm hiểu về “Công trình kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các” - biểu tượng của Thủ đô Hà Nội.
Khoa cho biết: Trước khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám để tham dự chương trình trải nghiệm này, em đã tìm hiểu về Khuê Văn Các bằng cách xem trên internet và đọc sách. Đến với cuộc trải nghiệm, khoa đọc thêm được nhiều thông tin trên pano, tự tổng hợp kiến thức cho mình và hiểu sâu hơn chủ đề mà em được học tập.
“Nối tiếp các chương trình giáo dục di sản đã được thực hiện từ năm 2016 tại Văn Miếu, chúng tôi xây dựng không gian trải nghiệm di sản này với mong muốn du khách, đặc biệt là học sinh, ngoài việc tham quan, có thể tham gia nhiều hoạt động bổ ích” - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu bày tỏ. Từ hiện vật, mặt bằng bố trí, cách trang trí hay nội dung chuyên đề giáo dục đều có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia bảo tàng, di sản như: TS Nguyễn Thị Minh Lý, PGS.TS Nguyễn Văn Huy. Theo ông Lê Xuân Kiêu, điều quan trọng là các em không phải học lịch sử, di sản theo kiểu thuộc vẹt, mà có thể vừa học, vừa chơi và vừa trải nghiệm. Đó là phương pháp giáo dục di sản mới đang được nhiều nơi trên thế giới áp dụng tại các khu di tích.
Nguồn thu lớn nếu được làm bài bản
Việc giáo dục di sản đã được áp dụng thử nghiệm từ năm 2012 ở 7 TP trên cả nước, trong đó có Hà Nội, đem lại những tác động tích cực. Nhiều trường phổ thông tại Hà Nội đưa học sinh tới tham gia Câu lạc bộ Em yêu lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để học lịch sử qua hệ thống bảo tàng... Hoặc các chương trình Em học làm khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, các chương trình này cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức vì nguồn thu. Đa phần các chương trình còn miễn phí để thu hút học sinh các trường tham gia.
PGS.TS Nguyễn Văn Huy cho rằng, nếu đo đếm bằng kinh tế thì trước mắt, đầu tư không gian trải nghiệm với di sản sẽ thiệt hơn cho thuê bán đồ lưu niệm. Bởi vì, trước đó, căn nhà đang được dùng làm không gian trải nghiệm cùng di sản ở Văn Miếu đã từng là khu vực bán đồ lưu niệm, có thể thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong khi đó, hiện nay không gian trải nghiệm di sản mở cửa miễn phí. Tuy nhiên, PGS.TS Huy cho rằng, ngoài vấn đề đầu tư cho giáo dục con người thì về lâu dài, khi đã trở nên hấp dẫn, các không gian trải nghiệm di sản cũng có thể tạo nguồn thu lớn. Đây là cách đầu tư có chiều sâu cho thế hệ trẻ. Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Văn Huy ủng hộ những không gian trải nghiệm di sản ở trong các di tích và bảo tàng.
Theo kinhtedothi.vn