Các em trải nghiệm việc học Hán Nôm ngày xưa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Trinh Nguyễn
Hai chị em Ngô Linh Đan (10 tuổi), Ngô Khánh Vân (7 tuổi) mở va-li rồi lần lượt trải ra toàn bộ những bức “thư pháp” Hán Nôm mà các em đã học viết tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Chỉ là những nét viết đơn giản, nhưng Đan và Vân mất cả tiếng đồng hồ để tự mài mực, nghe giảng và tập viết. “Các con kể về từng chữ mình đã viết, chữ này có nghĩa là gì và nói Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đại học đầu tiên của Việt Nam”, chị Khánh Linh, mẹ của hai cô bé, nói. Từ Pháp, chị để hai con về Việt Nam nghỉ hè. Hai cô bé Việt kiều Pháp đã có kỷ niệm đáng nhớ với các trải nghiệm về học hành, thi cử thời xưa tại Văn Miếu.
Có nhiều chương trình trải nghiệm như vậy đã được Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám xây dựng. Đó là: tìm hiểu hoa văn trên bia Văn Miếu, vinh quy bái tổ, kiến trúc Văn Miếu... Với chủ đề Nghê, người tham gia được giới thiệu về ý nghĩa linh vật này. Họ cũng được giới thiệu về những con nghê khác nhau đại diện cho những thời kỳ khác nhau ở Văn Miếu. Cuối cùng, học sinh được tham gia trò chơi tìm kiếm nghê tại khuôn viên di sản quốc gia đặc biệt này và chơi game trả lời câu hỏi về nghê trên máy tính. “Có những buổi trải nghiệm, các em thi nhau tìm sơ đồ nghê trong Văn Miếu xem ai nhanh hơn. Khi cuộc đua kết thúc, các em vẫn nói: Con còn muốn chơi tiếp”, cô Đặng Anh Vân, một thành viên của Phòng Giáo dục truyền thông Văn Miếu, nhớ lại.
“Chúng tôi đã xây dựng chương trình trải nghiệm di sản ở Văn Miếu từ năm 2016 đến nay và ra mắt không gian trải nghiệm di sản này”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc trung tâm, nói. Không gian trải nghiệm di sản Văn Miếu sẽ ra mắt vào ngày 15/11 tới. Không gian trải nghiệm, chương trình trải nghiệm này cũng in đậm dấu ấn của việc trung tâm kết hợp với các chuyên gia di sản, chuyên gia bảo tàng. Đó là PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học và TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL).
Không gian di sản mới tại Văn Miếu có các trang trí họa tiết phỏng theo họa tiết trên bút lông bằng đá tại khu Thái Học xưa. Không gian còn có pano để các em trưng bày các sản phẩm (tranh in họa tiết, chữ Hán Nôm) của mình. “Tại không gian này, việc học tập chia sẻ câu chuyện và ý tưởng đằng sau di sản văn hóa sẽ tốt hơn. Các em sẽ dễ dàng hơn để hình thành những hiểu biết riêng của mình về ý nghĩa của di sản văn hóa đó. Đây cũng là xu hướng thực hành trải nghiệm di sản văn hóa hiện đại”, ông Kiêu nói.
Theo thanhnien.vn