Từ sau khi thu hoạch xong mùa màng đến trước Tết Nguyên đán chung của các dân tộc trên cả nước, cũng như nhiều dân tộc sinh sống ở vùng cao Tây Bắc, người Lự ở Tam Đường, Lai Châu có nhiều Tết cổ truyền riêng.
Chuẩn bị gạo mới nấu xôi trong ngày Tết cơm mới ở bản Hon, Tam Đường, Lai Châu. Ảnh: T.C
Độc đáo Tết Cơm mới của người Lự
Hoa đào ở Tam Đường, Lai Châu thường nở sớm hơn những địa phương khác trên khắp nẻo vùng cao phía Bắc. Bởi vậy, không khí Tết đến, xuân về dường như sớm hơn. Mới cuối tháng 11 mà trên sườn núi cao thuộc đỉnh Putaleng, dãy Hoàng Liên Sơn đã thấy sắc đào lác đác tô một màu hồng sẫm lên những cánh rừng già. Dưới chân núi, bao quanh các thung lũng là sắc vàng rực rỡ của hoa dã quỳ, hoa ngũ sắc báo hiệu mùa xuân đang về.
Thầy cũng làm lễ tại thửa ruộng rộng đã khô. Ảnh: T.C
Tết Cơm mới, diễn ra trước Tết Nguyên đán, là một trong những tết quan trọng nhất của người Lự ở Bản Hon, Tam Đường, Lai Châu. Sau khi tất cả các gia đình đã thu hoạch mùa màng xong, thầy cúng sẽ chọn ngày lành, tổ chức Tết Cơm mới để cúng tổ tiên, tạ ơn trời đất và cầu mong cho năm tới được mùa. Bởi vậy, Tết Cơm mới thường diễn ra vào thời điểm cuối tháng 10 cho đến đầu tháng 12 âm lịch hằng năm mà không có ngày cố định. Tuy nhiên, bà con thường chuẩn bị cho Tết Cơm mới từ khi lúa bắt đầu chín. Khi đó, mỗi chủ nhà người Lự thu lấy gùi lúa non đầu tiên, để riêng làm xôi cốm (khảu háng), món đồ cúng quan trọng nhất trong ngày Tết Cơm mới.
Sau khi đồ khảu háng, những người phụ nữ ngồi bên bếp sưởi chờ thấy cúng làm lễ. Ảnh: T.C
Ngày Tết Cơm mới, mâm lễ cúng ngoài khảu háng thì chủ yếu là các sản vật do chính bàn tay lao động của con cháu trong gia đình làm ra, gồm: lợn, gà, xôi, rượu mới, các món chế biến từ cá và các loại côn trùng, măng, rau rừng… Cùng với đó, người Lự dùng thịt những con thú, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng để chế biến thành đồ lễ, nhằm răn đe những loại thú, côn trùng chuyên phá hoại mùa màng.
Lễ mừng cơm mới được người Lự làm trong nhà, ngay tại gian thờ linh thiêng, được coi là nơi trú ngụ của linh hồn tổ tiên, những người đã khuất. Gia chủ bê mâm lễ đặt lên gian thờ và khấn vái tổ tiên. Lễ cúng xong, gia chủ mời anh em họ hàng, dân bản chung vui bữa cơm thân mật. Trong lễ mừng Cơm mới, không thể thiếu các loại bánh truyền thống như bánh nếp, bánh chưng gù… để làm đồ cúng, đồng thời cũng là để tiếp khách và làm quà khi tiễn khách ra về sau buổi lễ.
Thiếu nữ Lự mặc trang phục truyền thống, trang điểm thật đẹp, cài hoa lên tóc trong ngày Tết. Ảnh: T.C
Một trong những việc không thể thiếu trong lễ mừng cơm mới của người Lự là kiêng nhà với mong muốn an lành, sung túc, no đủ và may mắn sẽ đến với gia đình. Sau khi ăn uống, ông chủ gia đình đan tấm phên hình mắt cáo gọi là “ta leo”, dùng lá xanh cài vào cắm trước cửa nhà. Kiêng trong 3 ngày, không mua bán, vay mượn hay cho ai bất cứ vật gì trong nhà, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bởi theo quan niệm của người Lự, thì tấm phên hình mắt cáo có nhiều mắt hơn mọi tà ma.
Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần có nhiều đổi thay. Người Lự ở Lai Châu vẫn gìn giữ Tết Cơm mới. Tập tục này mang tính cộng đồng cao vì các gia đình trong bản đều tổ chức. Tuy nhiên, Tết Cơm mới cũng đã có nhiều thay đổi.
Nét mới trong ngày Tết Cơm mới ở bản Hon
Từ sáng sớm, những người phụ nữ đẹp đẽ trong trang phục truyền thống đã cùng nhau mang thóc mới ra cánh đồng ở cuối bản, họ cùng nhau giã thóc, lấy gạo làm khảu háng nhiều màu sắc; mổ lợn, mổ gà, vịt, trang trí những gùi láo bằng các loại hoa rừng… Những người đàn ông thì dựng một lán tre làm nơi bày đồ cúng hồn lúa. Tất cả mọi người đều vui vẻ làm những thứ cần thiết cho một lễ cúng chung, một cái tết chung cho cả bản, Tết Cơm mới cộng đồng.
Người dân cùng ăn Tết cơm mới chung trên cánh đồng rộng ở cuối bản. Ảnh: T.C
Ông Vàng Văn Phát, một người già trong bản, cho biết: Năm nay, người dân bản Hon góp tiền, góp gạo làm Tết chung, thịt lợn chung, thổi xôi chung, tất cả cùng làm chung rồi sau đó chia cỗ ra mâm cho các gia đình theo đầu người. Sau khi thầy cúng làm lễ cúng hồn lúa xong, mỗi gia đình bày cỗ ngay trên cánh đồng, cùng nhau ăn Tết. Ăn xong lại cùng tổ chức những trò chơi dân gian, thi ném còn, thi giã gạo, đánh yến, đẩy gậy… rất vui. Không như trước kia mỗi nhà làm riêng, không có những hoạt động vui chơi cộng đồng như năm nay.
Chơi đánh cầu trong ngày Tết cơm mới. Ảnh: T.C
10h sáng, thầy cúng Tao Văn Pầu bắt đầu làm lễ cúng gọi hồn lúa về ăn tết. Năm nay người dân bản Hon được mùa, lúa nhiều, thóc được người dân đong đầy các gùi lúa, trang trí hoa rừng thật đẹp lên trên rồi mang bày trước bàn thờ, nơi sắp lễ cũng gọi hồn lúa. Trên bàn thờ đặt 4 bát hương cùng đồ lễ như thủ lợn, gà, vịt, xôi màu, rượu… Thầy cúng khấn cảm ơn hồn lúa đã cho năm nay được mùa, mời hồn lúa về ăn Tết, ăn cơm mới và phù hộ cho năm sau mùa màng tươi tốt, sâu bệnh không lây lan, người già khỏe mạnh, gia súc đầy chuồng.
“Hồn lúa có ngoại hình xấu và rất nhút nhát, khi thu hoạch lúa xong, hồn lúa thường trốn trong những gốc rạ ngoài đồng. Bởi vậy khi cúng gọi hồn lúa, người dân thường phải hái hoa rừng, trang trí cho những gùi lúa thật đẹp. Sau khi cúng gọi hồn lúa vào gùi thì dùng 1 chiếc quạt thóc đậy lại, để không ai nhìn thấy. Như vậy thì hồn lúa mới ăn cơm mới, phù hộ cho mùa sau lại được nhiều thóc tốt”, thầy cúng Tao Văn Pầu cho biết.
Trai gái chơi ném còn trong ngày Tết cơm mới. Ảnh: T.C
Ngay sau lễ cúng hồn lúa, người dân trải chiếu, bày mâm, cùng nhau ăn Tết Cơm mới trên thửa ruộng trước nơi làm lễ cúng. Gia đình nào cũng mời khách, họ hàng ở xa về cùng ăn Tết. Kể cả người lạ, bất cứ ai đến thăm bản cũng được các gia đình mời vào ăn Tết chung. Mọi người cùng uống rượu, chúc nhau sang năm mới lại được mùa, mọi người đều khỏe mạnh.
Trên thửa ruộng khô, rộng ở sát bên, thanh niên nam nữ cùng chơi ném còn, đánh yến, thi đẩy gậy, hát giao duyên… Cả bản nhộn nhịp trong tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát giao duyên cho đến khi trời tối mới tan./.
Thư Vũ/baotnvn.vn