Nơi phụ nữ đến phải trùm khăn che đầu |
Thánh đường Hồi giáo Al Noor nằm trên phố cổ Hàng Lược, giản dị và dễ lẫn vào các căn nhà bình thường khác. Vào những ngày thường, ít ai nhận ra sự hiện diện của những tín đồ Hồi giáo tại thánh đường này. Nhưng vào các ngày thứ 6 hàng tuần, thánh đường lại trở nên đông đúc, nhộn nhịp, bởi đó là ngày lễ chính trong đời sống tâm linh của người Hồi giáo - “Ngày thứ 6 linh thiêng”.
Thánh đường Hồi giáo Al Noor luôn đông đúc tín đồ vào ngày lễ
Người Hồi giáo có quy định hành lễ 5 lần mỗi ngày, dù đang ở bất kỳ nơi nào. Việc đến thánh đường hành lễ vào ngày thứ 6 linh thiêng không hoàn toàn bắt buộc, song nếu ở trong bán kính dưới 30km, các tín đồ vẫn thường đến cầu nguyện. Ngoài những ngày lễ chính vào thứ 6 hàng tuần, người Hồi giáo còn có những ngày lễ đặc biệt quan trọng là lễ Eid Al Fitr, đánh dấu sự kết thúc tháng lễ Ramadan và lễ hành hương về Thánh địa Mecca.
Thánh đường Al Noor có 2 khu cầu nguyện dành riêng cho nam và nữ. Vào các ngày lễ, những tín đồ nam đến hành lễ có thể mặc trang phục truyền thống với chiếc mũ tròn trên đầu, hoặc mặc trang phục thường ngày. Rêng phụ nữ dù có gia nhập đạo Hồi hay không, cũng đều phải mặc quần áo dài che kín tay, chân. Họ có thể không đeo mạng che mặt, nhưng nhất thiết phải chùm khăn che đầu, bởi quan niệm của đạo Hồi là “thấy tóc là thấy tội”.
Khu cầu nguyện dành cho những tín đồ nam
Một cậu bé trong giờ cầu nguyện
Khu cầu nguyện dành cho các tín đồ nữ
Ông Đoàn Hồng Cương, Phó trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Al Noor, sinh ra trong một gia đình Hồi giáo gốc Pakistan tại Hà Nội. Cha ông bắt đầu trông coi thánh đường này từ năm 1945, lúc đó vẫn còn thuộc Pháp.
“Thánh đường Al Noor còn được gọi là “chùa Tây đen”, một thời vô cùng vắng vẻ, thưa thớt. Trước năm 1975, lượng tín đồ Hồi giáo đến thánh đường hành lễ chỉ khoảng 15-20 người, chủ yếu là người của các sứ quán Angeria, Ai Cập, Indonesia, sau này có thêm tín đồ các nước ASEAN rồi Trung Đông và Bắc Phi. Những năm gần đây, thánh đường ngày một đông đúc. Vào những ngày lễ chính vào thứ 6 hàng tuần, thánh đường tập trung khoảng 200 tín đồ. Còn những ngày lễ quan trọng như Eid Al Fitr, lượng tín đồ về hành lễ có thể tăng gấp đôi, đến 400 người”- ông Cương cho biết.
Ông Đoàn Hồng Cương, Phó trưởng ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Al Noor
Hồi giáo không như những gì nhiều người tưởng tượng |
Anh Abdulrahman, một tín đồ Hồi giáo Kuwait hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam đến thánh đường cùng 3 cậu con trai để cầu nguyện nhân ngày Eid Al Fitr, ngày lễ đánh dấu sự kết thúc của tháng nhịn ăn Ramadan. Dù sống xa quê hương nhưng việc đến nhà thờ hành lễ hàng tuần luôn được gia đình anh duy trì đều đặn. Với anh, đó là đức tin, và anh muốn các con trai của mình sẽ tiếp tục kế thừa niềm tin ấy
Anh Abdulrahman, một tín đồ Hồi giáo Kuwait và 3 người con trai đến thánh đường Al Noor hành lễ nhân ngày Eid Al Fitr
Anh Saad Mohamed, một tín đồ Hồi giáo đến từ Ai Cập cho biết: “Không giống như nhiều nước quy định đàn ông chỉ được lấy một người vợ. Đạo Hồi cho phép đàn ông được lấy nhiều vợ, nhưng nhất định phải dành sự quan tâm và điều kiện kinh tế đồng đều cho họ. Trong trường hợp phân chia tài sản, người vợ thứ nhất có tài sản gì thì người vợ thứ hai cũng phải có tài sản tương tự. Tôi là một công chức bình thường và cũng không nghĩ đến chuyện lấy thêm vợ".
Chị Lê Thu, một tiểu thương người Việt Nam gia nhập đạo Hồi theo chồng, 1 tín đồ Hồi giáo người Syria từ năm 2016, kể về quãng thời gian gian nan và thử thách trước khi quyết định nhập đạo: “Trước đây, tôi cũng giống như nhiều người khác, nghĩ tới đạo Hồi là liên tưởng tới khủng bố cực đoan, những tục lệ hà khắc… Thậm chí tôi đã từng từ chối kết hôn với chồng tôi bây giờ chỉ vì không muốn theo những phong tục lạ lẫm của Hồi giáo, chẳng hạn như phong tục không thờ phụng bất cứ ai, ngoài Thượng đế."
Chị Lê Thu (đứng) đến thánh đường cầu nguyện nhân lễ Eid Al Fitr
"Nhưng khi đã tìm hiểu về đạo Hồi, tôi mới vỡ lẽ ra rằng, sự thực không phải như những gì tôi đã tưởng tượng trước đó, Hồi giáo là một tôn giáo cực kỳ hòa bình và tốt đẹp, những tín đồ Hồi giáo thực sự rất chân thành, tử tế, lương thiện. Lật từng trang sách tìm hiểu về đạo Hồi, tôi say sưa và háo hức như thể con trẻ được đọc chuyện cổ tích ngày xưa vậy.” - chị Lê Thu chia sẻ
Mọi người nói chuyện, thăm hỏi nhau nhân lễ Eid Al Fitr
Hồi giáo, cũng như mọi tôn giáo khác, đều hướng con người đến cái thiện, cái đẹp. Nếu các bạn tò mò muốn tìm hiểu thêm về đạo Hồi, hãy thử một lần ghé thăm tòa thánh đường cổ kính này. Còn với những ai đã trót bỏ lỡ lễ Eid Al Fitr vừa diễn ra ngày 5.6 vừa qua, hãy quay trở lại vào “ngày thứ 6 linh thiêng” hàng tuần, để hiểu thêm về nền văn hóa Hồi giáo độc đáo giữa lòng thủ đô Hà Nội.
Al Noor - thánh đường Hồi giáo duy nhất của miền Bắc tọa lạc trên phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Thánh đường được xây dựng theo đúng kiến trúc Hồi giáo, từ năm 1890, để làm nơi sinh hoạt tôn giáo cho các thương gia từ Ấn Độ và Trung Đông đến miền Bắc Việt Nam mua bán vải vóc và trao đổi tiền tệ. Tới những năm 1950, thánh đường được xây lại trên diện tích chừng 700m2. Đầu những năm 1980, thánh đường được sửa chữa và được gắn tên là AL NOOR (Soi Sáng). |
Anh Vũ – Ngọc Quỳnh/ Vietnam Journey