Nhiều ngôi nhà rường cổ được trùng tu đưa vào phục vụ du lịch
Đề án "Chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho làng cổ Phước Tích.
Ngôi nhà rường cổ có tuổi đời hơn 100 năm của ông Lê Trọng Quân được trùng tu đảm bảo nguyên bản từ nguồn hỗ trợ của Quỹ bảo trợ nhà vườn Huế với kinh phí hơn 800 triệu đồng. Ngôi nhà theo lối kiến trúc đặc trưng xưa, ba gian hai chái, nay đã hoàn thành.
Ông Lê Trọng Quân cho biết, ngôi nhà rường của ông xuống cấp nghiêm trọng, hệ thống rui mè bị mối mọt, tường nhà bong tróc, mái ngói hư hỏng, nay đã được Nhà nước hỗ trợ trùng tu, sửa chữa: "Vừa rồi, Nhà nước đầu tư, sửa chữa lại, cũng thay một số đồ gỗ lâu bị hư, đặc biệt là lợp mái ngói, lát bằng gạch bát tràng. Quê tôi cũng nhiều nhà sập đến nơi nhưng cũng đã được Nhà nước quan tâm để phục hồi nhà cổ."
Nhà ông Lê Trọng Đào
Cách đó không xa, ngôi nhà của gia đình ông Lê Trọng Đào cũng được hỗ trợ 700 triệu đồng để trùng tu toàn bộ kết cấu ngôi nhà. Sau khi ngôi nhà hoàn thiện, ông Đào đã tính đến chuyện làm du lịch trong ngôi nhà cổ này.
"Khách nước ngoài thì đến vào mùa Noel, khách trong nước thì họ đến cả năm. Do đó, có tăng thu nhập cho gia đình. Họ đi vào nhà, mình phải tiếp đón cho tử tế, đàng hoàng, mục đích để quảng bá cho làng cổ Phước Tích" - ông Lê Trọng Đào cho biết.
Làng cổ Phước Tích ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện còn 24 ngôi nhà cổ, trong đó nhiều ngôi nhà tuổi đời gần 150 năm. Ngôi làng còn lưu giữ vẹn nguyên văn hóa làng nghề, di sản vật thể vô giá. Các nhà rường được trùng tu cùng với hệ thống di tích, đình, miếu... sẽ phát huy giá trị của làng Phước Tích, làng cổ di sản cấp quốc gia. Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ trùng tu sớm bàn giao nhà cho gia chủ sử dụng.
Không gian làng cổ Phước Tích
Ông Đoàn Quyết Thắng, Phó Ban Quản lý Làng cổ Phước Tích, cho biết, từ năm 2016 đến năm 2018 đã tiến hành trùng tu 11 nhà vườn, năm 2019 tiếp tục trùng tu 10 nhà rường. Theo ông Thắng, việc trùng tu các nhà rường ở làng cổ Phước Tích không chỉ là bảo tồn giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng mà còn tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch.
"Ngoài việc tham quan di tích, chúng tôi còn tổ chức cho khách nghỉ với người dân, tham gia các dịch vụ, cùng vào bếp với người dân, cùng đi chợ với người dân, cùng chế ra các món ẩm thực của mình và các món ăn vườn của người dân Phước Tích. Khi nghỉ dưỡng thì khách được tâm sự với chủ nhà vườn, có sự tương tác giữa khách với chủ nhà vườn, tạo một không gian ấm cúng hơn" - ông Đoàn Quyết Thắng cho biết.
Lê Hiếu/VOV Miền Trung