Từ tục thổi cơm thi…
Ẩm thực tưởng như chẳng liên quan đến việc chống ngoại xâm, ấy vậy mà ở Thăng Long - Hà Nội xưa có lễ hội tái hiện lại cuộc thi nấu ăn cho binh lính.
Phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy xưa có 4 làng gồm: Nghè (tên chữ là Trung Nha), Dâu, Tân và An Phú. Từ ngày 10 đến 14 tháng Hai (âm lịch) hằng năm, 4 làng này mở hội và diễn lại cuộc thi thổi cơm trước cửa đình làng trông ra bãi sông Tô Lịch.
Mỗi người dự thi được phát một niêu đồng, một bó mía, họ phải tự tạo ra lửa từ cây giang già hay đánh hai hòn đá cuội. Người thi phải vừa ăn mía vừa lấy bã đó làm củi nấu cơm. Ai nấu cơm chín và dẻo thì được giải.
Cuộc thi rất khó vì việc đánh lửa từ cây giang vào bùi nhùi rơm không dễ. Ăn mía làm sao chỉ còn bã khô để làm củi cũng khó như “lấy sao trên trời”. Ấy vậy mà năm nào làng cũng mở hội thi và năm nào cũng có người giành giải cơm dẻo.
Thi thổi cơm trong Lễ hội làng Thị Cấm, xã Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm). Ảnh: Việt Nguyễn |
Xuất xứ của tục lệ này là ở làng Nghè. Năm đó Thái hậu Dương Vân Nga thể theo nguyện vọng của dân chúng và các quan trong triều đã trao long bào cho Lê Hoàn lên làm vua để chuẩn bị đối phó với giặc phương Bắc. Tướng Trần Công Tích được giao nhiệm vụ dẫn quân từ Hoa Lư ra Bắc, ông đã dừng ở Nghĩa Đô tuyển thêm quân và mở cuộc thi nấu cơm để tìm người có tài nuôi quân. Làng có ông bà Lê Nghiêm sinh được hai cô con gái đặt tên là Lê Hồng Nương và Lê Quế Nương. 20 tuổi, hai cô đẹp và tài năng nhất vùng. Khi Trần Công Tích mở hội thi nấu cơm thì hai chị em Lê Hồng Nương, Lê Quế Nương cùng tham dự và đã đoạt giải nên Trần Công Tích cho nhập đoàn quân lên Ải Chi Lăng. Tháng 3 năm 981, Trần Công Tích giao hai chị em lo ăn uống cho cánh quân hơn 100 người. Sau khi ngăn chặn đoàn quân do Hầu Nhân Bảo cầm đầu và giành chiến thắng, Trần Công Tích trở về Nghĩa Đô xin vua thăng thưởng cho binh sĩ và kết duyên với hai chị em. Sau một thời gian sống hạnh phúc, ngày 25 tháng 11 âm lịch, hai nàng cùng hóa. Thương tiếc và nhớ ơn công lao hai cô gái xinh đẹp, vua cho xây đền thờ. Nhà của ông bà Lê Nghiêm cũng trở thành đền thờ. Sau khi Trần Công Tích chết, ông được đưa vào đây thờ hưởng. Hiện đền thờ vẫn còn ở Nghĩa Đô nhưng tục thi thổi cơm thì không còn. Xưa nay ai cũng nói thắng trận nhờ tướng tài quân giỏi và dũng cảm nhưng quên mất một điều, cơm không ngon, canh không ngọt binh lính lấy đâu sức mà chiến đấu?
Một lễ hội khác xưa hơn cũng liên quan đến thi nấu cơm là ở Thị Cấm, thuộc vùng Phương Canh, nay là phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm. Thị Cấm xưa có 4 giáp, mỗi giáp phải cử ra 10 người gồm cả nam lẫn nữ, được phân công cụ thể: 4 người xay thóc giã gạo, 1 người dần sàng, 1 người lấy nước, 2 người kéo lửa bằng cây giang và 2 người nấu cơm. Giáp giành chiến thắng là mang cơm cúng vào trong đình nhanh nhất nhưng phải dẻo, cơm không dẻo sẽ thất bại. Hiện ở đình Thị Cấm vẫn còn 4 nồi đồng điếu, 4 bình nước bằng đồng, trống lệnh và dây kéo lửa.
Tục này có từ đầu Công nguyên. Xuất xứ là Phạn Tây Nhạc, tướng của Vua Hùng thứ 18 có công trấn giữ biên cương, được vua gả cháu gái hoàng hậu. Vợ chồng họ ngao du khắp nơi, đến Hương Canh thấy dân tình ấm no, vui tươi đã dừng chân dựng nhà, hòa vào sống cùng. Khi quân Thục ở phía tây kéo sang xâm lược, Phan Tây Nhạc được cử làm tướng tiên phong dưới quyền của Tản Viên Sơn thánh đi đánh giặc. Khi ông đưa quân qua làng Thị Cấm thì Hoa Dung - vợ ông và dân làng xin đi theo. Ở đây, Phan Tây Nhạc đã tổ chức thi nấu cơm để tuyển những người tài giỏi làm công việc nuôi quân. Trong chiến đấu muôn vàn khó khăn nên Phan Tây Nhạc “ra đề” rất khó, buộc những người dự thi phải tìm mọi cách để vượt qua. Xưa, Thăng Long luôn là đích chiếm đoạt của kẻ xâm lược. Và lễ hội ở Thị Cấm diễn lại thi nấu cơm là bài học cho những người cầm quân phải biết lo miếng cơm nếu muốn chiến thắng.
… đến những mâm cỗ đẹp
Kinh đô Thăng Long là nơi có nghề thủ công phát triển, là nơi tập trung giới tinh hoa, tầng lớp trung lưu. Khi không phải lo miếng ăn thì người ta mới nghĩ đến ăn ngon. Vì thế, người Thăng Long sành ăn, biết chơi, thích cái đẹp. Hội thi xôi giữa các giáp ở làng Kiều Mai xưa (nay thuộc phường Phú Diễn) không phải là thi giáp nào nấu chín nhiều xôi nhất trong cùng thời gian mà phải nấu được xôi dẻo, trắng, thơm và xếp xôi theo hình chóp sao cho cao nhất mà không nghiêng ngả mới giành phần thắng.
Thế nhưng, thi nấu cỗ trong hội làng ngày 25 tháng Giêng, giữa các giáp ở làng Kim Hoa xưa (nay là phường Kim Liên) mới là đỉnh cao. Không chỉ nấu ngon mà còn phải bày cỗ đẹp. Theo lệ làng, từng giáp sẽ góp tiền, thiếu bao nhiêu nhà đăng cai sẽ lo nốt. Cỗ thi có các món: Xôi gấc, canh, giò chả và bánh, nhưng đặc biệt nhất là con gà bày lên trên cùng vì “không có gà không ra mâm cỗ”. Gà được nhà đăng cai nuôi trước phải béo. Sau khi làm lông, gà được rút xương rồi nhồi nhân. Nhân gồm thịt nạc băm nhỏ, nấm hương, miến, hành củ thái lát trộn với hạt tiêu và chút nước mắm ngon.
Con gà được uốn theo các nhân vật trong tích cổ Trung Hoa hay Việt Nam như: Tô Vũ chăn dê, Trương Phi dạ chiến Mã Siêu, Hai Bà Trưng, Thạch Sanh... rồi mới nhồi và hấp. Để cho giống, người ta còn thắng đường cho cháy rồi vẽ mặt, lấy râu ngô cắm vào mặt giả làm râu. Cỗ làm xong mang ra đình làng để các cụ xem và đánh giá từ chất lượng đến hình thức. Không có chấm thi, chỉ khen suông nhưng các giáp vẫn thi nhau làm cỗ to, đẹp, sang để rồi mời bạn bè về ăn.
Xuất xứ của tục này là khi Lê Lợi chiến thắng giặc Minh, ngài vào thành. Để tỏ lòng kính phục và biết ơn, mỗi giáp của làng Kim Hoa làm một mâm cỗ dâng lên ngài. Ngài khen cỗ của dân Thăng Long nấu rất ngon và từ đó cứ vào dịp hội làng, các giáp ở Kim Hoa lại tổ chức thi cỗ với nhau như là dịp giữ gìn các món ăn truyền thống và cũng là lấy cớ khoe bạn bè về tài nấu ăn của trai Kim Hoa.
Nhiều hội thi ẩm thực chỉ còn trong tiềm thức. Giá mà khôi phục lại được tục thi nấu cơm ở Thị Cấm và Nghĩa Đô sẽ làm sống lại bài học lịch sử về nuôi quân. Nó cũng là sản phẩm du lịch vô cùng độc đáo, hấp dẫn thu hút du khách trong nước và ngoài nước khi đến Hà Nội.
Theo Nguyễn Ngọc Tiến/hanoimoi.com.vn