Bức tranh gốm sứ mang sắc màu Sri Lanka chính thức ra mắt tại đoạn Nghi Tàm trên con đường gốm sứ nổi tiếng của Hà Nội vào chiều ngày 22.1
Từ nay, người dân và du khách tới Hà Nội sẽ có thêm một điểm check-in mới, mang màu sắc văn hóa Sri Lanka qua những câu chuyện thể hiện trên chất liệu gốm sứ.
Không chỉ là check-in, bức tranh còn là cơ hội để người xem biết thêm về một điểm đến nổi tiếng của thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Sri Lanka Hasanthi Dissanayake bày tỏ vinh dự khi bức tranh gốm đặc trưng của Sri Lanka được ghi dấu ấn trên con đường gốm sứ huyền thoại của thủ đô Hà Nội, mang tới cho người dân Hà Nội và du khách thêm một hình ảnh về đất nước, con người và văn hóa Sri Lanka, một trong những quốc gia gần đây thường xuyên xuất hiện trong danh sách các điểm đến hàng đầu của thế giới.
Ngài đại sứ nhấn mạnh đây là một phần trong các nỗ lực thúc đẩy quảng bá và hợp tác về văn hóa du lịch giữa Sri Lanka và Việt Nam. Sri Lanka coi Việt Nam là một thị trường du lịch tiềm năng với dòng khách đến Sri Lanka ngày càng tăng.
Bà tiết lộ, khách du lịch Sri Lanka cũng rất thích đến Việt Nam, đặc biệt thích thăm thành phố HCM, Hà Nội, Vịnh Hạ Long và Ninh Bình.
Đại sứ Sri Lanka phát biểu tại lễ khánh thành
Bức tranh gốm sứ Sri Lanka cao 1,6m, dài 12m do các nghệ sĩ của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội thực hiện trong vòng 1 tháng, dựa trên gốm phác thảo của Văn phòng Quảng bá Du lịch Sri Lanka.
Chiêm ngưỡng bức tranh gốm khổ lớn này, người xem sẽ biết thêm được những thắng cảnh, hay những tích truyện nổi tiếng trong văn hóa truyền thống của Sri Lanka.
Trung tâm bức tranh là hình ảnh pháo đài đá tự nhiên, hay còn gọi là “tảng đá Sư Tử” cao gần 200m dựng thẳng đứng giữa trời xanh - một trong những khung cảnh ấn tượng nhất của Sri Lanka.
Trên đỉnh đá granite bằng phẳng này có hệ thống dấu tích của thành cổ Siririya, kinh thành do Vua Kassapa I xây dựng nên vào thế kỉ thứ V. Nơi đây đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Hình ảnh chim công lộng lẫy ở trung tâm bức tranh là loài chim có nguồn gốc từ Sri Lanka, từ xa xưa được coi là phương tiện đi lại của Thần Skanda, vị thần nổi tiếng trong thần thoại Sri Lanka.
Trong bức tranh còn có hình ảnh của chú báo đốm Sri Lanka, còn được gọi là báo Ceylon, một phân loài báo có nguồn gốc từ Sri Lanka đang nằm trong danh sách đỏ về nguy cơ tuyệt chủng.
Hình ảnh chim công và loài báo Ceylon của Sri Lanka
Các đại biểu cắt băng khánh thành đoạn tranh gốm của Sri Lanka
Tại lễ khánh thành đoạn tranh gốm Sri Lanka, họa sỹ Nguyễn Thu Thủy, “kiến trúc sư trưởng” của “con đường gốm sứ” bày tỏ niềm vui và hạnh phúc khi có thêm sự xuất hiện của các màu sắc quốc tế, trong đó có Sri Lanka trên con đường nổi tiếng này.
Con đường đã được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới (dài xấp xỉ 3,85 km).
Họa sỹ Nguyễn Thu Thủy và Đại sứ Sri Lanka giới thiệu với các vị khách về bức tranh gốm
Tham dự và cắt băng khánh thành đoạn tranh gốm sứ của Sri Lanka, Đại sứ Vũ Bình (Bộ Ngoại giao VN) khẳng định, bức tranh gốm với biểu tượng đặc trưng của Sri Lanka là minh chứng cho tình hữu nghị giữa hai nước và là biểu tượng về sự tiếp thu và ghi nhận của Việt Nam đối với tinh hoa văn hóa của nhân loại.
Đại sứ Vũ Bình (Bộ Ngoại giao Việt Nam)
Ngài đại sứ cũng nhấn mạnh vai trò của hợp tác quốc tế đối với việc thúc đẩy phát triển du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đồng thời cũng là một xu hướng toàn cầu.
Theo đó, những mảng gốm rực rỡ sắc màu của Sri Lanka trên con đường gốm sứ tại Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác về văn hóa, du lịch và nhiều lĩnh vực khác giữa Việt Nam và Sri Lanka trong tương lai.
Anh Vũ-Trọng Khánh, Vietnam Journey