Làng Đông Hồ có tên Nôm là làng Mái, nay thuộc xã song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Làng nhỏ Đông Hồ chỉ có hơn 200 hộ dân, là nơi hiếm hoi còn lưu giữ cách làm tranh cổ xưa nhất của Kinh Bắc.
Xuất hiện từ khoảng thế kỷ 19, tranh Đông Hồ được làm bằng phương pháp thủ công. Để làm ra những bức tranh Đông Hồ, những người thợ phải có tay nghề cao, sự khéo léo, tỉ mỉ và quan trọng nhất là lòng yêu nghề, yêu nghệ thuật.
Nguồn ảnh: Vnexpress
Không chỉ có những đặc điểm riêng biệt về đường nét bố cục, nét dân gian của tranh Đông Hồ còn nằm ở màu sắc và chất liệu giấy in. Giấy in tranh Đông Hồ được gọi là giấy điệp, người ta nghiền nát vỏ con điệp, trộn với hồ (hồ được nấu từ bột gạo tẻ hoặc gạo nếp, có khi nấu bằng bột sắn) rồi dùng chổi lá thông quét lên mặt giấy dó.
Màu sắc sử dụng trong tranh là màu từ nhiên từ cây cỏ như đen (than xoan hay than lá tre), xanh (gỉ đồng, lá chàm), vàng (hoa hòe), đỏ (gỗ vang). Đây là những gam màu cơ bản, không pha trộn. Tranh Đông Hồ được phân thành 5 loại chính gồm: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt và truyện tranh.
Nguồn ảnh: Vnexpress
Tranh Đông Hồ gợi cảm giác đơn sơ, mộc mạc. Đó là những hình ảnh quen thuộc trong cuộc sống và mang nhiều khát vọng sâu xa của con người.
Nguồn ảnh: Vnexpress
Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6,11,16,21 và 26. Đến với làng tranh Đông Hồ, bạn sẽ hòa mình vào không gian của vùng thôn quê yên bình, ngập tràn trong những tờ giấy điệp đầy màu sắc.
Nằm không xa Hà Nội, giao thông dễ dàng, đây sẽ là địa chỉ hấp dẫn với những ai yêu thích du lịch và những nét đẹp văn hóa dân gian.