Cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, mất khoảng 20 phút di chuyển là bạn đã đặt chân tới làng rèn Đa Sỹ (nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Cũng giống như nhiều làng nghề truyền thống khác, Đa Sỹ là một trong những làng nghề rèn nổi tiếng có lịch sử trăm năm.
Làng rèn Đa Sỹ ngày nay diện mạo có phần đổi khác, nhưng vẫn mang trong mình nét cổ của làng nghề xưa
Đi dọc khắp những con đường quanh co dẫn vào làng, tiếng đe, tiếng búa thi nhau vang lên chan chát, từng viên gạch dưới chân cứ thế rung lên theo nhịp đập. Âm thanh đó là minh chứng cho sự tồn tại bền bỉ của một làng nghề truyền thống.
Trong từng ngõ ngách của Đa Sỹ, những hộ dân nơi đây vẫn gìn giữ nghề mà cha ông truyền lại
Sản phẩm rèn của làng Đa Sỹ phong phú về chủng loại, kiểu dáng
Sản phẩm nổi tiếng bởi độ bền, sắc, cứng hơn bất kỳ sản phẩm nào trong vùng đồng bằng Bắc Bộ
Trước đây, để làm được một con dao, chiếc kéo, người thợ rèn phải thức khuya dậy sớm, ngồi hàng giờ trước máy mài với sự bền bỉ, cần mẫn thì nay công việc đã được giảm gánh nặng nhờ sự trợ giúp của máy móc.
Nguyên liệu làm rèn phổ biến là gỗ......và thép
Khâu quan trọng đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là tôi thép và làm nguội. Đầu tiên, từ các bản sắt thô, người thợ cắt thành những hình dạng khác nhau để tạo ra hình khối ban đầu cho sản phẩm. Tất cả được đưa vào lò nung ở nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Dựa vào tính chất, kích thước của từng loại thép và sản phẩm tạo ra dày, mỏng mà thời gian nung sẽ khác nhau.
Những phôi thép được nung trong nhiệt độ đạt chuẩn
Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa
Do yêu cầu thao tác quai búa phải nhanh, mạnh, dứt khoát, đòi hỏi rất nhiều sức lực vì thế người đứng lò hầu hết là các thanh niên trai tráng.
Qua khâu rèn trong lửa, đến công đoạn gọt cánh (gọt bỏ những phần sắt thừa) để tạo hình dáng hoàn chỉnh cho sản phẩm.
Bước tạo độ sắc mỏng cho con dao trở nên nhanh gọn và đơn giản hơn nhờ sự trợ giúp của máy móc
Các công đoạn tiếp theo như mài nước, gạt màu, đánh phớt bóng, bôi dầu, tra cán thường được người già, phụ nữ và thiếu niên đảm nhiệm. Mỗi hộ rèn ở Đa Sỹ đều có bí quyết riêng, nhưng điểm chung để tạo nên thương hiệu Đa Sỹ chính là thép phải tốt và kỹ thuật cao mới cho ra lò những con dao, cây kéo sắc bén.
Không chỉ truyền từ đời này sang đời khác, nghề rèn Đa Sỹ cũng có sự tham gia của những người phụ nữ
Người dân Đa Sỹ vẫn mang trong mình niềm tự hào bởi khả năng tạo ra những con dao “chặt được cả sắt”
Tới thăm làng nghề Đa Sỹ, có thể bạn sẽ không được trực tiếp tham gia quá trình tạo ra sản phẩm, trải nghiệm làm nghề như các làng nghề thủ công khác. Nhưng chỉ cần lắng nghe những người nghệ nhân nơi đây kể chuyện đời, chuyện nghề, tham quan và mua những sản phẩm của Đa Sỹ chắc chắn sẽ là một chuyến đi thú vị, giúp bạn hiểu thêm về những làng nghề của Việt Nam.
Một tip nhỏ cho những bạn trẻ muốn tới thăm quan làng nghề Đa Sỹ có thể liên hệ với Nghệ nhân Đinh Công Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề làng Đa Sĩ để có một chuyến trải nghiệm trọn vẹn và có những góc nhìn thú vị nhé!
Bài và ảnh : Nguyễn Minh