PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ đón nhận Giải thưởng Lớn
Trải qua 11 mùa giải, đã có 10 Giải thưởng Lớn – Vì Tình yêu Hà Nội cùng hơn 40 giải thuộc các hạng mục giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm được trao cho những tấm lòng, tình yêu Hà Nội.
Năm nay, Hội đồng Giám khảo đã quyết định trao 5 giải thưởng, trên 4 hạng mục của Giải. Giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ vì những cống hiến cho Hà Nội trong suốt cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, với những công trình nghiên cứu, dịch thuật mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước tiến lớn của ngành Hà Nội học.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ đón nhận Giải thưởng Lớn ở tuổi 83
Giải Tác phẩm - Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho cuốn sách “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” của Nguyễn Trương Quý. Giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho nhóm Ký họa đô thị Hà Nội. Giải Ý tưởng - Vì Tình yêu Hà Nội gồm 2 giải được trao cho: các đề xuất, dự án thể hiện quyết tâm làm "hồi sinh" sông Tô Lịch của các cơ quan, đơn vị hữu quan và cả cộng đồng người dân Hà Nội; việc xây dựng đường đua F1 Hà Nội và đăng cai tổ chức chặng đua Formula 1 Vietnam vào tháng 4/2020 do UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (Tập đoàn Vingroup) thực hiện.
Đánh giá về Giải thưởng năm nay, theo Hội đồng Giám khảo, đang có một cuộc chạy tiếp sức giữa các thế hệ trong sáng tác, nghiên cứu về chủ đề Hà Nội. PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ, 83 tuổi với những công trình nghiên cứu bề thế, mẫu mực về Thăng Long - Hà Nội trải dài qua nhiều thế kỷ trong quá khứ, và trải rộng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và lịch sử, văn hóa. Công trình đã được ông nghiên cứu từ 40 năm trước và liên tục được cập nhật cho tới gần đây, điều đó cho thấy chủ đề Hà Nội đã được ông theo đuổi trong suốt những tháng năm sung sức nhất của đời mình. Ông vẫn còn nặng ưu tư về Hà Nội cho tới tận hôm nay, bằng chứng là năm ngoái, ở tuổi ngoài 80, ông đã cho xuất bản cuốn “Thăng Long – Hà Nội trong mắt một người Hà Nội”.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Thừa Hỷ và nhà sử học Dương Trung Quốc
Nhà sử học Dương Trung Quốc, thành viên Hội đồng Giám khảo chia sẻ: “Tôi là người gần gũi với PGS Nguyễn Thừa Hỷ với tư cách đồng nghiệp, nên dễ dàng đánh giá được những ảnh hưởng của ông trong lĩnh vực lịch sử. Về tính cách, bác Hỷ là người rất Hà Nội, trong lối sống, công việc, trong đối nhân xử thế... Tình yêu với mảnh đất này là động lực chính để ông đạt được thành tựu như ngày hôm nay. Đối với Giải thưởng Lớn, người được vinh danh ở hạng mục này luôn cần có một quá trình tích lũy lâu dài, kết tinh qua bề dày tri thức, tác phẩm cụ thể và nhân cách sống”.
Cùng với PGS Nguyễn Thừa Hỷ còn có một Nguyễn Trương Quý tài hoa và đầy sung sức tuổi trung niên với một góc tiếp cận vô cùng độc đáo về Hà Nội trong “Một thời Hà Nội hát – Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” (Giải Tác phẩm). Thông qua các sáng tác âm nhạc của Đoàn Chuẩn, một nhạc sĩ có nhiều gắn bó với Hà Nội trong giai đoạn trước và sau năm 1954, anh đã tái hiện được cả đời sống đô thị Hà Nội, đồng thời giải mã được những “huyền thoại đô thị” đã làm nên sức quyến rũ của thành phố này.
Tại lễ trao giải
Giải thưởng năm nay còn cho thấy có một Hà Nội trong quá khứ với các giá trị truyền thống cần được giữ gìn, nhưng đồng thời cũng có một Hà Nội đầy năng động, hiện đại đang truyền cảm hứng lớn trong hội nhập, sáng tạo. Ký ức đô thị chính là di sản, là lịch sử. Bởi thế, thật dễ hiểu khi việc đổi tên tòa nhà "Bưu điện Hà Nội" thành "VNPT Hà Nội" đã làm tổn thương sâu sắc ký ức của biết bao nhiêu người đã sống, đã gắn bó với Hà Nội. Và cũng bởi thế mà những nỗ lực kịp thời của các cơ quan chức năng TP Hà Nội cũng như của cộng đồng trong việc yêu cầu trả lại tên cho tòa nhà “Bưu điện Hà Nội” đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi trong dư luận.
Đó là nhà văn Vũ Công Chiến, người đã đưa cả ký ức về khu tập thể cũ của mình vào trong văn chương với tác phẩm Kim Liên một thuở. Đó là nhóm Ký họa đô thị Hà Nội hướng đến một niềm hoài cổ rất đỗi thân thương: lưu giữ những vẻ đẹp dịu dàng, xưa cũ, và thân thương của Hà Nội vào tranh.
Đó là những đề xuất, dự án thiết thực tâm huyết nhằm làm hồi sinh sông Tô Lịch, con sông biểu tượng của Hà Nội chảy dài trong suốt lịch sử ngàn năm đã biến thành con sông đen ngòm trong thời cận, hiện đại. Thời gian qua, việc làm "sống lại" sông Tô Lịch đang rõ lên từng ngày. Cảnh các chuyên gia lội bùn, tắm nước sông trong khu vực thí điểm cải tạo đã truyền cảm hứng lớn cho cộng đồng, để tiếp tục hy vọng vào tương lai sông Tô Lịch.
Giải thưởng năm nay cũng cho thấy bên cạnh một Hà Nội trong hoài niệm còn có một Hà Nội năng động, hiện đại đang được chung tay xây dựng. Việc xây dựng đường đua F1 Hà Nội và tổ chức chặng đua vào tháng 4/2020 sẽ mang lại cơ hội thưởng thức một môn thể thao gắn liền với đẳng cấp và công nghệ cao cho các tầng lớp nhân dân; tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch Hà Nội; nâng cao vị thế Hà Nội – một thành phố năng động, hiện đại, hội nhập, sáng tạo mà vẫn gắn kết với những yếu tố truyền thống.
Bên cạnh Lễ tổng kết, trao giải, BTC còn tổ chức cuộc triển lãm trưng bày hình ảnh về các đề cử xuất sắc nhất của mùa giải năm nay. Triển lãm kéo dài đến 30/8/2019.
Phương Anh/baovanhoa.vn