Cuối năm ngoái, cửa hàng áo dài này có ý tưởng đưa các họa tiết dân gian vào áo dài của mình để tung ra vào dịp Tết. Thời điểm đó, chủ cửa hàng đã không hề nghĩ đến vấn đề bản quyền, cho đến khi tác giả của những bức tranh là họa sĩ Bùi Trọng Dư lên tiếng.
Chị Trang My, Chủ cửa hàng áo dài Tamy’s House: "Sau khi đưa các hình ảnh áo dài lên trang facebook của cửa hàng, bên mình đã nhận được nhiều phản hồi từ bạn bè của anh Dư. Ngay sau đó, mình đã tìm đến nhà anh Dư xin lỗi. Rất may là anh đã chấp nhận lời xin lỗi. Sau đó thì bên mình đã quyết định ký hợp đồng mua tác quyền các bức tranh của anh Dư."
Kể từ khi chính thức bắt tay hợp tác, các sản phẩm của cửa hàng đã thoải mái được phép đưa các chi tiết trong tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư vào tà áo dài. Bên cạnh đó, họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng thường xuyên tư vấn, chỉnh sửa các tranh trên áo dài sao cho đạt được yếu tố hài hòa và tính thẩm mỹ cao.
Chị Trang My, chủ cửa hàng áo dài Tamy’s House, cho biết: "Cũng rất khó để người tiêu dùng nhận biết áo nào là tranh có bản quyền hay không. Nhưng chắc chắn việc in mà không có sự cho phép của họa sĩ thì màu sắc, bố cục thường rất rối mắt, không được tươi sáng. Với các áo dài đã được họa sĩ tư vấn sẽ có bố cục đẹp hơn, đạt tính thẩm mỹ cao, và chắc chắn giá thành cũng sẽ khá cao."
Tác phẩm nghệ thuật là sản phẩm của sự tâm huyết và trí tuệ của người nghệ sĩ. Việc xâm phạm bản quyền tranh lên các tà áo dài là hành vi đáng phê phán. Còn về phía người tiêu dùng, chọn may một tà áo dài với thiết kế có bản quyền cũng là một cách để thể hiện sự trân trọng đối với trang phục dân tộc này.
Vietnam Journey/ TTXVN